5 sai lầm con cần tránh khi làm bài thi môn Ngữ văn vào 10 cha mẹ nên biết

0

Không xác định đúng yêu cầu đề bài, trả lời không đúng trọng tâm, không tuân thủ các nguyên tắc khi trình bày bài thi..vv… là những sai lầm con thường mắc phải trong khi làm bài thi môn Ngữ văn, các bậc phụ huynh nên lưu ý cho con để tránh mất điểm đáng tiếc.

  1.       Phân bổ thời gian làm bài không hợp lý

Bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 có thời gian làm bài trong 120 phút với 3 câu hỏi: đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Để các con có thể đạt điểm cao tuyệt đối, bên cạnh việc nắm chắc toàn bộ kiến thức, các bậc phụ huynh phải nhắc nhở con phân bổ thời gian làm bài hợp lí mới đảm bảo làm hết các câu hỏi trong đề.

Với kinh nghiệm giảng dạy và chấm thi nhiều năm, thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI đưa ra lời khuyên cho các con trước khi bước vào kì thi sắp  tới: “ Các thí sinh nên phải tự phân chia thời gian làm bài hợp lí cho từng câu hỏi. Ví như bài đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội mỗi câu chỉ chiếm khoảng 3 điểm nên thí sinh không cần viết quá dài, mỗi câu viết khoảng 1 trang giấy thi là đủ. Câu hỏi nghị luận văn học chiếm nhiều điểm nhất, nên thí sinh cần dành nhiều thời gian để viết sâu hơn, chi tiết hơn”.

Rất nhiều con mải mê làm những câu mà con nắm chắc kiến thức nhất mà dành thời gian ít cho những câu hỏi khác, dẫn đến những câu sau bị thiếu ý, bài viết sơ sài, làm mất điểm đáng tiếc.

Thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên môn Ngữ văn tại HOCMAI
  1.       Không xác định đúng yêu cầu của đề bài

Đây là lỗi chung của các con thường gặp phải, khi vào phòng thi với áp lực thi cử, áp lực thời gian, các con thường không xác định được đúng yêu cầu của đề bài. Một số lỗi các con thường gặp khi không xác định được đúng yêu cầu của đề bài như:

Viết lạc đề: Bài làm của con hoàn toàn sai lệch với yêu cầu của đề bài đưa ra, do đó dù các con có viết hay, viết dài đến đâu cũng không được tính điểm.

Trả lời không đúng trọng tâm: Đối với lỗi này thì các con đã xác định được đúng yêu cầu của đề nhưng lại trả lời không đúng trọng tâm, lan man sang những vấn đề mà đề bài không hỏi, nên các con vừa tốn thời gian trả lời mà vẫn không ghi được điểm.

Bỏ sót các yêu cầu phụ của bài: Do áp lực của thời gian làm bài nên nhiều khi các con không đọc kĩ đề nên dễ bỏ qua các câu hỏi phụ, khiến mất điểm đáng tiếc thêm lần nữa.

Do đó, các bậc phụ huynh nên nhắc nhở con thật kĩ, sau khi con nhận được đề thi hãy lấy bút gạch chân vào những từ khóa quan trọng để xác định được dạng bài, phạm vi kiến thức, các yêu cầu cụ thể mà đề bài đưa ra.

  1.       Trả lời câu hỏi quá vắn tắt

Nhiều con có thói quen đề bài hỏi gì thì trả lời trực tiếp, không dẫn dắt, diễn giải, không phân tích thêm, nhiều con còn trả lời cụt ngủn, không đủ chủ ngữ – vị ngữ, khiến bài làm không thể đạt điểm tối đa.

Vì vậy mà các bậc phụ huynh hết sức lưu ý cho con, hướng dẫn cho con khi trả lời bất kì câu hỏi nào trong đề cũng phải đảm bảo đầy đủ cấu trúc của một câu văn, một đoạn văn hay một bài văn hoàn chỉnh.

  1.       Không nêu dẫn chứng cho bài, đoạn văn nghị luận xã hội

Các bậc phụ huynh nào có con chuẩn bị thi vào lớp 10 đều biết rằng, câu hỏi nghị luận xã hội là một dạng bài luôn luôn xuất hiện trong đề thi và là câu hỏi dễ ăn điểm nhất. Tuy nhiên, do chủ quan nên các con không thể đạt điểm tối đa ở câu hỏi vì quên không nêu dẫn chứg minh họa cho luận điểm, lí lẽ mình đưa ra.

Cô Vũ Hà – Giáo viên Ngữ văn tại hệ thống giáo dục HOCMAI cũng đưa ra lời khuyên cho các con khi làm câu hỏi này, các bậc phụ huynh hết sức lưu ý cho con:“ Để tăng tính thuyết phục cho bài nghị luận xã hội, các thí sinh cần phải đưa ra các dẫn chứng minh họa cụ thể. Dẫn chứng không cần nhiều chỉ từ 2-3 dẫn chứng, nhưng cần đảm bảo được tính xác thực, tiêu biểu và sát với vấn đề nghị luận. Cụ thể với đề bài nghị luận xã hội về nghị lực sống của con người chẳng hạn, các thí sinh nên đưa ra từ 2-3 dẫn chứng để minh họa cho luận điểm con người có nghị lực sống kiên cường như: Nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, ông dùng ngòi bút của mình để đánh giặc .Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương tiêu biểu cho ý chí và nghị lực của con người vượt qua hoàn cảnh, số phận. Hay vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên – người phá vỡ 8 kỷ lục bơi tại đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á.Dù phải xa nhà từ lúc 12 tuổi, mỗi năm về thăm bố mẹ rất ít, suốt ngày chỉ có bơi lội và có một chế độ ăn uống nghiêm ngặt, nhưng vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên chưa bao giờ bỏ cuộc mà luôn cố gắng, nỗi lực để nuôi dưỡng ước mơ của mình. Với nghị lực phấn đấu, kiên cường bền bỉ cô nàng đã thực sự bứt phá và làm nên kì tích”.

Cô Vũ Thu Hà – giáo viên môn Ngữ văn tại HOCMAI

  1.       Không tuân thủ các nguyên tắc khi trình bày bài thi

Chữ viết cẩu thả, khó đọc, tẩy xóa nhiều, sử dụng và lạm dụng các ký hiệu, bài thi viết hai màu mực… là những lỗi khiến bài làm của của các con không được đánh giá cao. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy chú ý nhắc nhở con tuân thủ các nguyên tắc khi trình bày bài thi: viết chữ ngay ngắn, dễ đọc, không tẩy xóa nhiều, không sử dụng các kí hiệu không cho phép…

Trên đây, bài viết đã tổng hợp lại một số những lỗi sai mà các con thường gặp khi làm bài thi môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10, các bậc phụ huynh hết sức lưu ý cho con rút kinh nghiệm trong quá trình làm bài để tránh mất điểm đáng tiếc.