Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam (Phần 1)

0
Nguyễn Siêu đã nói rằng: “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”, quả đúng là như vậy! Đời sống xanh tươi là cội nguồn sinh dưỡng của văn học, cũng bởi lẽ vậy mà văn học luôn hướng tới con người, coi giá trị chủ yếu của văn chương không phải ở câu hay từ đắt mà ở chỗ có ích cho cuộc đời hay nói một cách đơn giản, giá trị của một tác phẩm hướng tới chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Trong nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, hai giá trị này lại được nâng cao vị trí của mình hơn cả để phản ánh chính xác cuộc sống của con người. Một trong số những tác phẩm như vậy phải nhắc tới truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam.
Giá trị hiện thực của tác phẩm văn học là toàn bộ hiện thực được nhà văn phản ánh trong tác phẩm văn học, tùy vào ý đồ sáng tạo mà hiện tượng đó có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc có sự khúc xạ ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết hiện thực trong các tác phẩm văn chương đều là hiện thực được hư cấu. Nó có ý nghĩa phản ánh hiện thực của một thời kỳ trên nhiều góc diện khác nhau như một lát cắt của cuộc sống. Cùng với đó, giá trị nhân đạo là giá trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn với nỗi đau của những con người, những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng với những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin khả năng vươn dậy của con người dù trong bất kỳ hòan cảnh nào của cuộc đời. Nó được làm rõ qua bốn khía cạnh chính: tố cáo xã hội, ca ngợi, thương cảm hay bênh vực và chỉ ra con đường lối thoát cho nhân vật.
Đến với những năm 1930 – 1945, giữa bộn bề phồn tạp buổi chợ phiên văn chương, giữa náo nhiệt đông đúc gian hàng lãng mạn, Thạch Lam được nhận ra như một khách hàng khá đặc biệt. Người con của Tự lực văn đoàn ấy đã không đưa ta đến những chân trời phiêu du, mộng tưởng của những tình yêu, khát vọng thường thấy trong trào lưu lãng mạn mà dắt ta đi vào giữa cõi đời ta đang sống. Con người dịu dàng nhân ái ấy đã nguyện gắn ngòi bút của mình với những kiếp người đau khổ, vẫn luôn trân trọng sự sống nơi trần gian. Xúc cảm của nhà văn Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo, ông là một nhà văn quý mến cuộc sống trang trọng trước sự sống của mọi người xung quanh. Ngày nay, khi ta đọc lại Thạch Lam qua truyện ngắn “Hai đứa trẻ” càng giúp ta thấm đủ cái dư vị ngọt ngào khẽ làm cho trái ta tim rung động tựa như một bài thơ trữ tình “Thoang thoảng hương hoàng lan để trưng cất nỗi đời đau khổ.”
Nam Cao từng quan niệm: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp” lầm than, đến với trang văn của Thạch Lam, chất hiện thực hiện lên là một bức tranh buồn man mác ở nơi phố huyện nghèo nàn cùng những cảnh đời mòn mỏi, quanh quẩn và bế tắc.
Truyện mở đầu bằng thứ âm thanh của tiếng trống thu không trên cái chòi canh của phố huyện, những âm thanh rền thong thả, chậm rãi vang ra từng tiếng một như hiện lên trước mắt ta cái yên ả, tĩnh lặng và buồn tẻ của một miền quê ảm đạm. Tiếng trống ấy với Liên không chỉ đơn thuần là tín hiệu vô tri, hờ hững của thời gian mà còn vang ra để gọi buổi chiều, động từ gọi khiến tiếng trống phút hoàng hôn bỗng nhiên như có linh hồn, có tâm trạng, một linh hồn ảm đạm, một tâm trạng buồn bã, u hoài. Câu văn “Chiều, chiều rồi…” tựa một câu thơ trong bài thơ trữ tình đượm buồn, nó tựa tiếng thở dài ngậm ngùi, là tiêng kêu thoảng thốt từ một chiều êm ả như ru… Nỗi buồn cứ nhè nhẹ, lâng lâng khi Thạch Lam họa vào cảnh phố huyện những âm thanh để tạo ra dàn đồng ca đầy hoang vắng, tẻ nhạt. Thủ pháp lấy động tả tĩnh giúp ta cảm nhận, nghe thấy rõ văng vẳng bên tai những tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng, rồi đến tiếng muỗi bắt đầu vo ve trong cửa hàng hơi tối. Những âm thanh được miêu tả từ xa tới gần như mang một chút thi vị man mác u buồn, gieo vào lòng người những xúc cảm đến lạ kì… Dưới lăng kính của Thạch Lam, thước phim về cảnh phố huyện như được tái hiện lại vô cũng rõ nét. Một buổi chiều tàn với những gam màu chói gắt và ấm nóng nhưng cũng chẳng hề xua tan cái lụi tàn đang bám víu ở cái phố huyện nghèo này: “Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt nền trời.” Màu đỏ rực và ánh hồng kia không phải là dấu hiệu của sự sống bắt đầu nhen nhóm mà lại là phút huy hoàng cuối cùng của một ngày dài để bước vào bóng tối thăm thẳm, và dường như bóng tối cũng đang ngập đầy dần trong đôi mắt Liên, Những hình ảnh được miêu tả từ cao xuống thấp với nhịp điệu câu văn uyển chuyển, chậm rãi gợi cho ta cái cảm giác tiêu điều, xơ xác của một thế giới đang dần tàn lụi.
Nguồn: Thả mình vào văn học