Kết bài trong một bài viết là phần tổng kết lại toàn bộ nội dung của bài văn, nó có vai trò quan trọng trong việc cấu thành lên một bài văn hoàn chỉnh, tuy nhiên, có nhiều bạn thường bỏ qua chúng hoặc viết chúng một cách sơ sài, cùng Butbi.hocmai tham khảo qua các mẫu Kết bài Đất nước Nguyễn Khoa Điềm dưới đây để thấy được tầm quan trọng của yếu tố này nhé.
Tham khảo thêm:
- Phân tích 9 câu đầu Đất nước
- Mở bài Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm
- Soạn văn 12 bài Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm
- Tổng hợp các tác phẩm ngữ văn 12
A. Mẫu kết bài phân tích Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm
Kết bài phân tích Đất nước mẫu số 1
Như vậy, bằng khả năng vận dụng sáng tạo, kết hợp giữa hình thức thơ trữ tình – chính luận, thể thơ tự do cùng giọng thơ biến đổi linh hoạt và sự độc đáo khi sử dụng chất liệu văn hóa dân gian đa dạng qua những phong tục tập quán, lối sống, sinh hoạt, ca dao, dân ca, … Nguyễn Khoa Điềm đã tạo ra một không gian nghệ thuật vô cùng mới mẻ để làm nổi bật lên tư tưởng cốt lõi “Đất Nước của Nhân Dân”. Qua đó ta thấy hình tượng Đất Nước đã được khám phá ở nhiều các phương diện khác nhau về chiều sâu văn hóa, chiều rộng không gian cũng như chiều dài của thời gian. Với chính những trải nghiệm của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã tạo nên một thi phẩm về đất nước, từ đó truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ cùng đứng lên “xuống đường” tham gia công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm cùng dân tộc, đồng thời làm thức tỉnh tình yêu quê hương luôn tồn tại trong tâm thức và trái tim của hàng triệu con người Việt Nam.
Kết bài phân tích Đất nước mẫu số 2
Qua những cảm nhận hết sức bình dị, gần gũi nhưng vô cùng mới mẻ cùng với việc sử dụng thành công, kết hợp nhuần nhuyễn các chất liệu văn học, những nét văn hóa dân gian truyền thống, Nguyễn Khoa Điềm đã đóng góp một quan điểm sâu sắc, một cái nhìn mới mẻ về chủ đề Đất Nước – chủ đề bao trùm xuyên suốt trong tiến trình văn học Việt Nam. Quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm mang một dấu ấn riêng biệt của sự trải nghiệm, của những chiêm nghiệm, triết lí, suy tư, từ đó đem đến một cảm nhận, cách khám phá quê hương đất nước trong cái nhìn toàn vẹn hơn, nổi bật hơn cả là tư tưởng cốt lõi về nhân dân: “Đất Nước của nhân dân” và nhân dân chính là người đã tạo dựng, đi qua những giao lao vất vả đã làm nên chiến công rực rỡ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước
Kết bài cảm nhận Đất nước mẫu số 1
Tiếp nối dòng mạch cảm xúc trong thơ ca yêu nước của lịch sử văn học dân tộc, Đất Nước trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến một nội dung cảm nhận cùng cách thể hiện thật độc đáo. Thành công của bài thơ Đất Nước này đã góp phần chứng tỏ tầm trí tuệ, tài năng vượt bậc và sức khám phá của một nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước anh hùng
Kết bài cảm nhận Đất nước mẫu số 2
Như vậy bằng những lý lẽ và dẫn chứng đầy thuyết phục, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định được vị trí, vai trò vô cùng to lớn của đất nước trong cuộc sống thường nhật của mỗi con người. Gấp lại những trang thơ Đất nước chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có những cảm xúc bồi hồi, xao xuyến nơi sâu thẳm trong đáy lòng bởi những vần thơ sâu lắng thiết tha đi vào lòng người nghe và người đọc
Kết bài phân tích tư tưởng Đất nước của nhân dân mẫu số 1
Bằng cách đề cao vai trò to lớn của nhân dân lao động đối với đất nước, Nguyễn Khoa Điềm một lần nữa đã làm rõ tư tưởng cốt lõi “Đất nước của nhân dân”, khẳng định vai trò, sức mạnh và sự ảnh hưởng của nhân dân đối với lịch sử và đất nước. Đó là cả một truyền thống lâu đời trong lịch sử văn học dân tộc. Tác phẩm đã tạo nên những cảm xúc, những rung động âm vang trong lòng mỗi người đọc chính từ những cảm xúc chân thành, từ sự trải nghiệm của chính bản thân tác giả mà nói lên những suy nghĩ chung của cả một thể hệ đối với đất nước. Nguyễn Khoa Điềm đã đóng góp thêm một thi phẩm cho nền văn học Việt Nam viết về đất nước, làm sâu sắc thêm những nhận thức về đất nước và nhân dân bằng chính tiếng nói nghệ thuật mang đậm đà chất dân gian.
Kết bài phân tích tư tưởng Đất nước của nhân dân mẫu số 2
Như vậy, tư tưởng cốt lõi “đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại’ đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện một cách bình dị, giản đơn mà sâu sắc đầy chất triết lý trong đoạn trích. Với những thi liệu dân gian đậm đà chất thơ, được kết hợp độc đáo với những suy nghĩ giàu chất trí tuệ đã khiến cho Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm sẽ mãi lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi bạn đọc như một bài ca bất hủ không bao giờ quên. Và tác giả cũng đã góp phần làm tư tưởng đất nước của nhân dân trở lên phong phú hơn trong thơ ca thời kỳ chống Mỹ.
B. Các mẫu kết bài nâng cao cho HSG giỏi
Kết bài Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm nâng cao Mẫu số 1
Bằng giọng điệu suy tư, ngôn từ mộc mạc, giản dị và sự linh hoạt, khéo léo trong việc sử dụng các thành ngữ, câu ca dao, các chất liệu văn hóa dân gian, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện được hết những vẻ đẹp của hình tượng đất nước. Đó là vẻ đẹp bình dị, thân thuộc nhưng lại vô cùng thiêng liêng. Chính cách nhìn nhận này đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú hơn về hình tượng đất nước trong văn học Việt Nam.
Đất Nước đã được nhà thơ lí giải, cắt nghĩa theo những cảm nhận của riêng mình. Đoạn trích Đất nước thể hiện niềm tự hào, trân trọng sâu sắc của tác giả dành cho Tổ quốc thân yêu. Bài thơ đã vô cùng thành công với thể thơ tự do, mỗi câu như một cảm xúc trào dâng được viết ra từ đáy lòng thi sĩ. Và khi kết thúc những câu thơ ấy, đọng lại trong lòng người đọc là những hình ảnh đất nước vừa quen thuộc, vừa mới lạ, vừa gần gũi và cũng không kém phần thiêng liêng.
Kết bài nâng cao phân tích Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm Mẫu số 2
Đọc đoạn trích Đất Nước, ta có thể thấy rõ những dấu ấn của vốn tri thức văn hoá nhà trường và sách vở, sự ảnh hưởng phong cách của một nghệ sĩ nào đó. Tuy nhiên, đoạn trích vẫn là phần tiêu biểu và tinh tuý nhất của bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Bài thơ đã tạo lên được những rung động âm vang trong lòng mỗi người đọc chính là nhờ những cảm xúc chân thành, từ sự trải nghiệm của bản thân tác giả mà nói lên những suy nghĩ chung của cả một thế hệ trẻ về đất nước.
Tác giả đã khéo léo khi chọn tư liệu văn hóa dân tộc trong ca dao để thể hiện cảm xúc, ý nghĩ. Điều đó đã hiện lên rõ chân dung tinh thần của nhân dân, tâm hồn dân tộc gửi gắm vào trong dân gian gian nay đã trở thành chiều sâu văn hóa. Nhìn ở cả chiều dài, chiều rộng và chiều sâu ta đều thấy được vai trò quan trọng của nhân dân đó là vừa làm ra vừa bảo vệ. Cho nên quả thật “Đất Nước này là đất nước của nhân dân”.
“Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm như một bản nhạc hay mang âm hưởng dân gian hóa trong điệu hồn kháng chiến, là lời thức tỉnh tình yêu nước cho mỗi thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.
Kết bài nâng cao bài Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm Mẫu số 3
Bài thơ Đất nước là sự kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa giữa chất chính luận trữ tình với chất suy tưởng mang đến những giá trị tư tưởng đặc sắc cho tác phẩm. Cùng với đó, Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng linh hoạt chất liệu dân gian, đưa vào những yếu tố văn hóa đậm nét, nổi bật để thể hiện những cảm nhận độc đáo mới mẻ về đất nước.
Đoạn thơ đã thể hiện được tư tưởng cốt lõi “đất nước của nhân dân”, đây cũng chính là đóng góp mới lạ, độc đáo về chủ đề đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn trích đã mang đến cho người đọc những cảm xúc tự hào, khơi dậy ý thức trách nhiệm sứ mệnh của mỗi cá nhân đối với đất nước. Nhiều năm tháng qua đi nhưng đoạn trích Đất nước nói riêng và bản trường ca nói chung vẫn để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng bạn đọc và giữ nguyên vẹn những giá trị tốt đẹp trường tồn mãi mãi với thời gian
Kết bài Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm học sinh giỏi Mẫu số 4
Để làm nên sự thành công của đoạn trích Đất Nước, ngoài sự độc đáo mới mẻ đầy phóng túng của thể thơ tự do còn phải kể đến tài năng xuất sắc vượt bậc của Nguyễn Khoa Điềm trong việc tiếp thu và sử dụng sáng tạo những chất liệu dân gian. Bài thơ là sự kết hợp một cách hài hòa, nhuần nhuyễn giữa hình thức trữ tình – chính trị với các chất liệu từ ca dao, dân ca, cổ tích, huyền thoại…
Với sự vận dụng sáng tạo của hình thức thơ tình – chính trị đó, đoạn trích Đất Nước đã quy tụ mọi cảm nhận, mọi cái nhìn và quy tụ mọi vốn liếng sách vở cũng như những trải nghiệm cá nhân của mình để làm nên một tuyên ngôn bất hủ về tư tưởng, về nhận thức của cả một thế hệ nghệ sĩ thời bấy giờ, đó là tư tưởng “Đất nước của nhân dân”.
Để làm nên một người anh hùng thì có biết bao những người anh hùng vô danh khác đã ngã xuống, đã hi sinh mà không ai biết tên họ, không ai còn nhớ. Để làm ra một đất nước những vị anh hùng dân tộc đã anh dũng, sẵn sàng hi sinh không một chút do dự, nuối tiếc, sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được sự tươi đẹp của Đất Nước cho các thế hệ mai sau.
Kết bài Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm HSG Mẫu số 5
Qua đoạn trích Đất nước, chúng ta phần nào thấy được phong cách thơ ca của Nguyễn Khoa Điềm là sự kết hợp hài hòa giữa chính luận với trữ tình, giữa suy tưởng với cảm xúc cùng ngôn ngữ thơ thật bình dị, gần gũi, chan chứa hơi thở cuộc sống. Tính chính luận đã làm sáng đẹp cái chất trí tuệ hài hòa với chất trữ tình đậm đà. Đoạn trích đã “nhịp mãi một tấm lòng sứ điệp” để ta thêm yêu và tự hào hơn vể Đất Nước Việt Nam với 4000 năm lịch sử.
Qua đó có thể thấy rằng, dù ở phương diện nào, dù ở lĩnh vực địa lý, lịch sử hay văn hoá, thì “Đất nước này là của nhân dân”, sẽ do chính nhân dân bảo vệ và gìn giữ muôn đời. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã chọn lọc, chưng cất, lắng ủ và lên men trong chính tiếng thơ của mình, vẻ đẹp duyên dáng đơn thuần giản dị của những thi liệu văn hóa văn học dân gian. Những tưởng rằng với thể thơ tự do thì sẽ không có sự đồng điệu với nhau, nhưng với tài năng của Nguyễn Khoa Điềm những câu thơ dài ngắn đan xen nhau có một sự nhất quán lạ thường tạo ra sự tan chảy của dòng cảm xúc, sự miên man của dòng suy tưởng.
Xuyên suốt toàn bộ đoạn trích, hai chữ “Đất nước” luôn được viết hoa một cách trang trọng, được lặp đi lặp lại như một nốt chủ âm trong bản trường ca về non sông gấm vóc. Nhờ đó mà tác phẩm đã khơi dậy lòng yêu nước sâu thẳm trong tim và tinh thần tự hào dân tộc, cùng trách nhiệm công dân trong mỗi con người.
Mặc dù cả đoạn trích được viết theo thể thơ tự do với lối trường ca, kể lể, liệt kê, khó đọc khó nhớ nhưng với những gì mà Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong tác phẩm này ông quả thật xứng đáng là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của văn chương Việt Nam thời bấy giờ. Đồng thời, “Đất nước” cũng xứng đáng trở thành một hành trang tinh thần của người yêu văn chương suốt bấy nhiêu lâu nay về đề tài tình yêu quê hương, đất nước và có giá trị trường tồn cho đến ngày hôm nay.
Tham khảo thêm: