Kết bài Việt Bắc bức tranh tứ bình hay nhất | Ngữ văn 12

0

Bất kỳ một bài viết nào cũng cần có phần kết bài, một kết bài hay sẽ vừa khái quát được nội dung tác phẩm, vừa để lại nhiều ấn tượng cho người đọc. Cùng butbi tham khảo những mẫu kết bài hay, ngắn gọn và ấn tượng nhất cho bài viết của mình trong các bài phân tích bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu trong bài viết dưới đây nhé!

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

Kết bài Việt Bắc bức tranh tứ bình hay nhất | Ngữ văn 12
Kết bài Việt Bắc bức tranh tứ bình hay nhất | Ngữ văn 12

Tham khảo thêm:

Kết bài phân tích bài thơ Việt Bắc mẫu số 1

Bài thơ Việt Bắc như là lời tâm tình, thủ thỉ của kẻ ở với người đi. Là sự bồi hồi, nhớ nhung, xao xuyến, là sự bịn rịn khôn nguôi trong cảnh chia li của người dân Việt Bắc và cán bộ cách mạng. Lời thơ thật mộc mạc, gần gũi, giản dị nhưng cũng đầy tha thiết, xúc động. “Việt Bắc” của Tố Hữu cùng với những bài thơ khác trong thời điểm đó viết về người lính và cách mạng như  ‘Đồng chí” của Chính Hữu, hay “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, không chỉ góp phần trong việc cổ vũ động viên tinh thần người chiến sĩ mà nó còn như những cuốn phim quay chậm về lịch sử, là tấm gương phản chiếu về một thời đại vẻ vang của dân tộc, để cho thế hệ sau này ghi nhớ công ơn và mãi tự hào về tổ tiên cha ông chúng ta để rồi từ đó thấy được ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng đất nước giàu đẹp hơn.

Kết bài phân tích Việt Bắc mẫu số 2

Cả đoạn trích như một bản nhạc nhẹ nhàng, tha thiết được hòa tấu bởi là khúc tình ca và khúc trường ca về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy những gian lao vất vả và về những người lính cụ Hồ anh dũng bất khuất. Thông qua khúc nhạc đẹp đẽ, hào hùng ấy Tố Hữu đã bộc lộ được những tình cảm chân thành, tha thiết nhất của mình dành cho vùng núi rừng Việt Bắc, ngợi ca tình đồng chí, nghĩa tình đồng bào sâu đậm. Qua đó, tác giả cũng muốn nhắn nhủ đến người đọc đừng quên những trang sử hào hùng vẻ vang của dân tộc, những trang sử được viết lên bởi máu và nước mắt của những người anh hùng dân tộc, cũng là những những trang sử thấm đượm tình yêu nước sâu sắc và tình quân dân nồng thắm.

Kết bài cảm nhận bài thơ Việt Bắc mẫu số 1

Như vậy, qua bài thơ “Việt Bắc”, ta có thể cảm nhận được tình cảm gắn bó nghĩa tình thủy chung sâu sắc giữa quân và dân ta trong 15 năm dòng dã kháng chiến gian khổ cũng như thấy được tài năng vượt bậc của nhà thơ Tố Hữu trong việc diễn đạt một câu chuyện mang tính chính trị cứng nhắc trở nên da diết, trữ tình và thiết tha như một khúc hát nhịp nhàng.

Kết bài cảm nhận bài thơ Việt Bắc mẫu số 2

Bài thơ là khúc ca ân tình, là hồi tưởng về những kỷ niệm đầy xúc động và khó quên của Tố Hữu về chặng đường mười lăm năm kháng chiến gian khó đã qua của đất nước, từ đó nhìn về phía trước, hướng về tương lai tươi sáng và nhắc nhở về tâm nguyện thuỷ chung. Viết về nghĩa tình quân dân thắm thiết, Tố Hữu đã phát huy tài năng đỉnh cao của mình khi sử dụng hình thức nghệ thuật mang tính dân tộc, trong đó nổi bật hơn cả là cách sử dụng thể thơ lục bát và ngôn ngữ thơ đậm sắc thái dân gian trong tác phẩm của mình. Có thể nói Việt Bắc vừa là khúc tình ca vừa là khúc hùng ca về cách mạng, về con người và về cuộc kháng chiến mà cội nguồn sâu xa của nó đó chính là tình yêu quê hương đất nước, là niềm tự hào về sức mạnh đoàn kết của nhân dân, là truyền thống ân nghĩa thủy thuỷ chung của dân tộc Việt Nam.

Kết bài Việt Bắc bức tranh tứ bình mẫu 1

Với những nét chấm phá đơn sơ giản dị, mộc mạc vừa cổ điển lại vừa hiện đại, đoạn thơ viết về cảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc này đã làm nổi bật được bức tranh tứ bình tuyệt đẹp vừa có cảnh vừa có người đầy nhân văn. Cảnh và người hòa hợp, tô điểm cho nhau, làm cho bức tranh trở lên gần gũi thân quen, sinh động và có hồn hơn. Tất cả vẻ đẹp ấy đã tan chảy thành nỗi nhớ nhung quyến luyến thiết tha trong tâm hồn của mỗi người cán bộ khi về xuôi.

Kết bài Việt Bắc bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc mẫu 2

Tóm lại, chỉ với 10 câu thơ ngắn ngủi, Tố Hữu đã kết hợp hài hòa và tinh tế khi sử dụng câu 6 để tả cảnh, câu 8 để tả người. Sự kết hợp hài hòa ấy đã tạo nên một bức tranh tứ bình tuyệt đẹp , sinh động, đầy màu sắc. Qua đó, nhà thơ cũng bộc bạch được tâm tư tình cảm của mình với thiên nhiên núi rừng Việt Bắc và nhắc nhở về sự thủy chung son sắc với những con người chất phát, hiền hòa nơi đây. Chúng ta – những người ở thế hệ sau cũng cần phải biết đến những địa danh của Đất Nước mình, thêm yêu mến và tự hào về vẻ đẹp diệu kỳ mà thiên hiên đã ban tặng. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta cần ghi nhớ và biết ơn những  công lao to lớn của những chiến sĩ đã ngã xuống vì đất nước, đã anh dũng chiến đấu dựng xây cho chúng ta có được một đất nước yên bình , xinh đẹp như ngày hôm nay.

Kết bài phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc mẫu 1

Chỉ với 8 câu thơ ngắn, Tố Hữu vẽ lên một bức tranh “Việt Bắc ra quân” thật đẹp, thật sinh động. Bức tranh này không chỉ làm khơi gợi lại những ngày tháng hào hùng vẻ vang của quân dân ta trên căn cứ địa thần thánh – nơi chiến khu Việt Bắc mà còn đem đến cho ta một niềm tin yêu quê hương cách mạng anh hùng. Đoạn thơ này  xứng đáng là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài thơ Việt Bắc.

Kết bài phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc mẫu 2

Đoạn thơ trên chỉ vỏn vẹn 8 câu nhưng nó như một dấu gạch nối để liên kết cho cả bài thơ. Nếu không có những ngày tháng chiến đấu đầy gian khổ, hiểm nguy mà hào hùng với tinh thần anh dũng  kiên cường của những người chiến sĩ cách mạng thì ước mơ về một ngày mai tươi đẹp ấy sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Hơn thế, trong đoạn thơ này Tố Hữu còn nói lên niềm mong muốn đền đáp ân nghĩa với những con người một lòng thủy chung son sắc, hi sinh tất cả chở che cho cách mạng và kháng chiến xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp hơn. Cuộc sống ngày mai yên bình, hạnh phúc, ấm no là cái đích hướng tới, là lí tưởng cao đẹp và là một nguồn sức mạnh to lớn của những người kháng chiến. Đoạn thơ có âm điệu sôi nổi, mạnh mẽ, dồn dập, sử dụng nhiều những hình ảnh phóng đại, đây là đoạn thơ tiêu biểu nhất cho phong cách thơ trữ tình – chính trị của Tố Hữu.

Kết bài phân tích 3 khổ thơ đầu của bài thơ Việt Bắc

Như vậy, chỉ với 20 câu thơ đầu, Tố Hữu đã khắc họa thành công được cuộc nói chuyện tâm tình thủ thỉ của người lính cách mạng với người dân Việt Bắc bằng hình thức đối đáp quen thuộc trong ca dao khi phải rời chiến khu về lại Hà Nội. Với 20 câu thơ ấy, những kỉ niệm đẹp giữa họ lần lượt hiện lên vừa cụ thể, chân thực lại giàu tình cảm. Giọng thơ tâm tình thủ thỉ, nhịp thơ nhẹ nhàng như nhắc nhở, níu kéo, như tâm sự giãi bày mọi tâm tư. “Việt Bắc” quả xứng đáng là bài thơ đỉnh cao để đời trong sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu. 

Kết bài phân tích khổ thơ thứ 3 trong bài thơ Việt Bắc

Đoạn thơ ngắn chỉ gói gọn trong 12 câu thơ lục bát, nhưng Tố Hữu đã sử dụng tới tám từ “mình”, bảy từ “nhớ” và hai cặp đại từ “mình đi, mình về” lặp đi lặp lại nhiều lần như một điệp khúc nhẹ nhàng du dương. Đoạn thơ sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, đơn sơ, giản dị, ý thơ cân xứng, hài hòa. Cộng với giọng điệu thơ nhịp nhàng, ngọt ngào, tâm tình như lời ca dao, bộc lộ chân thành tình cảm sâu nặng, gắn bó tha thiết của người ở lại và người ra đi. Đoạn thơ đó đã cho thấy “Việt Bắc” chính là khúc tình ca về tình quân dân nồng thắm , là khúc hùng ca về cách mạng về cuộc sống và con người kháng chiến.

Kết bài phân tích khổ thơ thứ 4 trong bài thơ Việt Bắc

Đoạn thơ tuy đã khép lại nhưng lại để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi hình ảnh thiên nhiên nơi núi rừng Việt Bắc thật gần gũi, giản dị, với hình ảnh của khói bếp, suối đèo và những bờ tre thân thuộc. Tất cả như đã để lại một hoài niệm khó quên trong lòng mỗi người chiến sĩ về cái nghĩa, cái tình của đồng bào thân thương cùng nhau chia sẻ miếng cơm, manh áo trong những ngày tháng kháng chiến khó khăn, thiếu thốn, gian khổ, từ đó cũng cho ta thấy sự đoàn kết vững chắc của hậu phương và tiền tuyến trong giai đoạn lịch sử thăng trầm lúc bấy giờ. Nó cũng là lời nhắc nhở cho những thế hệ hôm nay – những người đang được sống trong hòa bình cần trân trọng lịch sử, trân trọng những thành quả của cha ông đã phải đổ máu để giành được, lưu giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Kết bài phân tích khổ thơ thứ 5 trong bài thơ Việt Bắc

Với việc khéo léo sử dụng các biện pháp so sánh, những hình ảnh quen thuộc gần gũi nhà thơ Tố Hữu đã giúp người đọc có những cảm nhận chân thực về cuộc sống của người dân Việt Bắc và trở thành nỗi nhớ chung của mỗi con người Việt Nam. Nỗi nhớ nhung, lòng yêu nước sâu đậm cùng tình cảm quan dân thắm thiết trong “Việt Bắc” mãi là điểm sáng góp phần khẳng định giá trị to lớn của tác phẩm và tài năng đỉnh cao của nhà thơ.

Kết bài phân tích khổ thơ thứ 7 trong bài thơ Việt Bắc

Có thể nói đây là đoạn thơ hay, đặc sắc và có giá trị nhất trong bài Việt Bắc. Cảnh thiên nhiên và con người trong đoạn thơ như hòa quyện với nhau được miêu tả hết sức sinh động và tràn ngập sức sống. Và với giọng thơ ngọt ngào, nhẹ nhàng, tâm tình khiến đoạn thơ như một bản tình ca về lòng chung thủy, sắt son của người chiến sĩ cách mạng đối với nhân dân, quê hương nơi chiến khu Việt Bắc

Kết bài phân tích tính dân tộc trong bài thơ Việt bắc

Tính dân tộc là đặc điểm nổi bật và đặc sắc nhất ở bài thơ “ Việt Bắc”. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Tính dân tộc đó đã giúp nhà thơ truyền tải được những tư tưởng hiện đại, tiên tiến tới người đọc. Đây được coi là một tác phẩm thành công và đỉnh cao nhất trong sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu. Một tác phẩm đã khơi gợi lại những ngày chiến đấu hào hùng vẻ vang của dân tộc, những ngày mà toàn dân toàn quân ta nô nức ra trận, những ngày mà mảnh đất Việt Bắc in dấu bao thời khắc, bao chiến công hào hùng, tươi đẹp của dân tộc. Tất cả đều như được tái hiện trong một hình thức đặc biệt mà Tố Hữu đã lựa chọn và sử dụng. Rõ ràng, bài thơ Việt Bắc mang tinh thần và tư tưởng của thời đại nhưng người ta lại có thể ngân nga như những bài ca dao, dân ca.

Trên đây là tổng hợp các mẫu kết bài Việt Bắc của các dạng đề liên quan, hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn chinh phục được điểm số cuối cùng trong bài viết của mình.