Bài thơ Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác nhân dịp những người cán bộ cách mạng chia tay nơi chiến khu kháng chiến để trở về Hà Nội. Cùng tham khảo bài phân tích Việt Bắc dưới đây mà Butbi đã tổng hợp để thấy được tình cảm gắn bó, nghĩa tình sâu nặng của người kháng chiến với người dân và vùng đất chiến khu; cảm nhận được không khí hào hùng, oanh liệt trong cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ của quân và dân ta.
Tham khảo thêm:
- Soạn bài Việt Bắc phần Tác Giả
- Mở bài hay việt bắc
- Soạn bài Việt Bắc chi tiết
- Tổng hợp kiến thức ngữ văn 12
- Phân tích 8 câu đầu bài Việt Bắc
- Phân tích 12 câu tiếp bài Việt Bắc
- Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc
A. Dàn ý phân tích Việt Bắc
1. Dàn ý Mở bài phân tích việt bắc:
– Giới thiệu sơ lược về Tố Hữu và sự ra đời của bài thơ Việt Bắc.
+ Tố Hữu – lá cờ đầu, là người tiên phong trong thơ ca cách mạng Việt Nam.
+ Các tác phẩm thơ Tố Hữu như là một thước phim quay chậm về những trang sử vẻ vang của dân tộc.
+ “Việt Bắc” là một bài thơ tiêu biểu nhất của Tố Hữu, bài thơ viết về tình cảm gắn bó sâu nặng giữa người chiến sĩ cách mạng với người dân Việt Bắc được viết ra trong cuộc chia tay đầy lưu luyến kh những người cán bộ phải rời chiến khu về lại Hà Nội.
2. Dàn ý Thân bài phân tích việt bắc:
* Khái quát chung
– “Việt Bắc” ra đời vào năm 1954 khi quân và dân ta đã giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ.
– Bài thơ đã tái hiện lại khung cảnh của cuộc chia ly đầy lưu luyến giữa những người cán bộ cách mạng với nhân dân Việt Bắc.
– Với việc sử dụng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc của tác giả kết hợp với lối hát đối đáp như ca dao dân ca làm cho bài thơ có nhịp điệu nhẹ nhàng, những lời tâm sự của người ở lại và người đ càng trở lên tha thiết hơn.
* Phân tích chi tiết
Luận điểm 1: Hai mươi câu thơ đầu: Những kỷ niệm trong thời kỳ kháng chiến thể hiện tình quân dân thắm thiết
– Lời nhắn nhủ tâm tình của người Việt Bắc:
- Bốn dòng thơ đầu đã có hai câu hỏi tu từ được đặt ra, người ở lại hỏi người ra đi rằng có còn nhớ “ta” là người nơi đây, có nhớ “núi, nguồn” – nơi đã từng chung sống, gắn bó 15 năm nghĩa tình. Câu hỏi được đặt ra chỉ là mượn cớ để nhắc nhở, nhắn nhủ người về xuôi không quên mảnh đất tình người.
→ Nghệ thuật của câu hỏi tu từ: bộc lộ cảm xúc người nói, người ở lại bộc lộ nỗi nhớ và tình yêu dành cho người về xuôi một cách kín đáo nhưng cũng rất trân trọng.
– Tâm sự của những người về xuôi trong buổi chia ly:
- Khung cảnh chia ly quyến luyến được thể hiện trong 4 câu thơ tiếp theo: “Bên cồn” gợi ra địa điểm chia tay là ở một bến sông nào đó, với tiếng hát làm nền, người đi kẻ ở bịn rịn, tay nắm chặt không rời, xúc động mà không nói nên lời. Tất cả tạo nên một bầu không khí ấm áp ngập tràn tình cảm thể hiện tình quân dân thắm thiết sâu đậm.
- Từ láy “bâng khuâng, bồn chồn” : diển tả tâm trạng xao xuyến không yên vì tình cảm bị níu kéo lại. Diễn tả nỗi lòng thương mến, nhớ nhung của người đi dành cho người ở lại.
- “Áo chàm” một hình ảnh ẩn dụ , nó tượng trưng cho tâm hồn chất phác, chân thành, tình cảm sâu nặng của người Việt Bắc.
– Trong lúc chia tay bịn rịn, những tháng ngày gian khổ ở chiến khu được gợi nhớ lại:
- “Mưa nguồn suối lũ”: đất trời chìm trong mưa gió bão bùng, thể hiện sự khắc nghiệt của mùa mưa nơi chiến khu Việt Bắc khiến cuộc sống của các chiến sĩ trong rừng càng thêm khó khăn.
- “Những mây cùng mù” biện pháp chêm xen nhấn mạnh hình ảnh bầu trời u ám nặng nề, ẩn dụ những ngày đầu vô cùng khó khăn của kháng chiến.
- “Miếng cơm chấm muối”: những thiếu thốn mọi mặt nơi chiến khu.
- Khi gian khổ có nhau đến khi hòa bình vui sướng thì lại người đi kẻ ở, giờ phút chia tay ấy lòng người ở lại bỗng xôn xao vì bao nỗi nhớ nhung.
- Người Việt Bắc nhắc lại những kỉ niệm lịch sử khó quên và luôn tự hào về mảnh đất anh hùng..
⇒ Hình thức đối thoại, đoạn thơ đã thể hiện những tình cảm mặn nồng, tha thiết của người Việt Bắc dành cho cán bộ chiến sĩ.
Luận điểm 2: Những lời tâm sự của người ra đi
– “Ta với mình, mình với ta” : khẳng định tấm lòng thủy chung, sắt son, một lòng mặn mà của người đi kẻ ở.
– Người ra đi luyến tiếc gửi gắm nỗi nhớ vào thiên nhiên, nhớ về thời gian bốn mùa họ cùng bên nhau, cùng nhau chiến đấu.
– Nhớ về con người Việt Bắc đầy tình người: dù có bao gian khó, vất vả nhưng vẫn không chùn bước, cùng nhau chia sẻ những đắng cay ngọt bùi, cùng nhau trải qua cơn đói rét. Nhớ về những kỉ niệm ấm áp cùng đồng bào trong các điệu hát, “lớp học I tờ”… hay trong hình ảnh mộc mạc của “cô em gái” lao động
– Nhớ hình ảnh đoàn kết, hào hùng cùng nhau xông pha đánh giặc.
– Nhớ những chiến công lẫy lừng và niềm vui vỡ òa khi thắng trận
⇒ Tình cảm người đi – những chiến sĩ dành cho người ở lại – người dân Việt Bắc và quê hương nơi đây cũng là tình cảm của nhà thơ dành cho nhân dân, cho đất nước, là tình yêu cuộc sống kháng chiến.
Luận điểm 3: Bức tranh tứ bình nơi chiến khu qua cái nhìn đầy ưu ái của Tố Hữu
– Lời tâm sự tha thiết, sâu lắng của người đi.
- “Hoa và người”: nỗi nhớ hướng tới một đối tượng cụ thể
- Cặp đại từ nhân xưng “mình-ta” thể hiện tình yêu thương gắn bó, tình cảm sâu nặng của người đi, kẻ ở.
- Điệp từ “ta về” được lặp lại bộc lộ nỗi niềm xao xuyến, tâm trạng quyến luyến, bịn rịn vấn vương trong buổi chia ly đượm buồn, khơi gợi về quá khứ.
– Trong nỗi nhớ, bức tranh thiên nhiên hiện ra dường như gắn bó giữa cảnh với người:
- Cảnh thiên nhiên gói gọn lại trong 4 mùa, như 1 bức tranh tứ bình tuyệt đẹp được ghi lại bởi bút pháp chấm phá, hồn thơ cổ điển.
- Mùa đông: thiên nhiên có nét chấm phá bởi màu đỏ tươi của hoa chuối, khiến không gian trở lên ấm áp nhờ sắc đỏ ấy , làm cho nỗi nhớ thêm rạo rực lòng người.
- Đất trời khi vào xuân, thiên nhiên Việt Bắc khoác trên mình một màu xanh lá tươi mát của núi rừng, điểm tô dưới sắc trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận. Động từ “nở” kết hợp cùng tính từ “trắng” gợi ra khung cảnh những đóa hoa tinh khôi ấy đang khoe sắc thắm. Trong cảnh xuân thanh bình tươi đẹp ấy con người vẫn đang miệt mài lao động, tạo lên bức tranh hài hòa.
- Sang hè, thiên nhiên Việt Bắc mang sắc vàng tươi của rừng phách cùng với tiếng ve râm ran đặc trưng của mùa hè.
- Sau cùng là cảnh thu với vẻ đẹp mờ ảo, mộng mơ của đêm trăng. Vẻ đẹp ấy mang theo bao ước mơ về một tương lai tươi sáng.
– Đoạn thơ khép lại với một “khúc hát ân tình thủy chung”. Đó là tiếng hát là lời ca tâm tình của người ở lại, cũng là của người ra đi. Khúc hát mang theo sự hy vọng thiết tha, tình quân dân đậm sâu nồng thắm.
⇒ Đoạn thơ như mở ra một thế giới của cái đẹp: bức tranh thiên nhiên đẹp, con người đẹp và trong đó là tấm lòng đẹp theo cùng một nỗi nhớ đẹp.
Luận điểm 4: Việt Bắc trong ngày ra trận hào hùng
– Với bút pháp sử thi tác giả đã khắc họa đoàn quân chiến đấu với khí thế sục sôi trên những nẻo đường ra trận.
– Điệp từ “đêm đêm” diễn tả thời gian dài, từ láy “rầm rập” âm thanh kết hợp với nhịp thơ 2/2 gợi tả bước chân hành quân đêm ngày nhưng vẫn giữ sự đều nhịp, chắc khỏe.
– Biện pháp nói quá “đất rung” làm tăng sức mạnh phi thường của đoàn quân.
– Chân dung những người lính anh hùng của dân tộc:
- Đường hành quân đầy gian lao, nguy hiểm nhưng chiến sĩ của ta vẫn yêu đời, lạc quan, cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, mây trời, niềm vui ngắm cảnh.
- “Mũ nan” từ hoán dụ: người chiến sĩ cách mạng ra chiến trường mang theo một mối tình quân dân lấy đó làm động lực chiến đấu.
– Hình ảnh súng và sao: giàu tính biểu tượng. Súng gợi cảnh chiến tranh, nhưng sao lại vẽ ra một khung cảnh thanh bình, yên ả trong tương lai. Ánh sao đó còn ẩn dụ cho đôi mắt người yêu.
3. Kết bài:
Tổng kết lại giá tri nội dung, giá trị nghệ thuật của bài thơ, sau đó đưa ra cảm nhận của bản thân về tác phẩm.
2, Sơ đồ tư bài Việt bắc
C. Bài văn mẫu phân tích Việt Bắc chọn lọc hay nhất
Tố Hữu – nhà thơ được biết đến là lá cờ đầu, người tiên phong trong thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ của Tố Hữu là sự kết hợp hài hòa, gắn kết giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Chính vì vậy khi đọc các tác phẩm thơ của Tố Hữu, ta có thể thấy được những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Các tác phẩm thơ Tố Hữu như một thước phim quay chậm về những trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc. Và “Việt Bắc” chính là một trong những bài thơ như thế.
Tố Hữu đã viết bài thơ “Việt Bắc” vào năm 1954 sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Đây cũng là lúc mà các cơ quan trung ương Đảng, chính phủ cùng các cán bộ chiến sĩ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Bài thơ đã tái hiện lại cuộc chia tay đầy lưu luyến, bịn rin giữa người đi – những người cán bộ với người ở lại – nhân dân Việt Bắc sau một thời gian dài sống, chiến đấu và gắn bó cùng nhau trải qua bao gian khổ. Tố Hữu đã sử dụng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc kết hợp với lối hát đối đáp như ca dao dân ca quen thuộc để tái hiện cuộc chia tay đầy lưu luyến ấy.
Ngay từ đầu bài thơ, tác giả đã thể hiện tình cảm của người ở lại dành cho người ra đi một cách đầy tinh tế qua những câu hỏi tu từ:
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”
Câu mở lời đầu tiên giống như lời chia tay của những cặp đôi yêu nhau đầy ý nhị mà sâu sắc. Nhà thơ đã vô cùng khéo léo khi mượn sắc màu của tình yêu đôi lứa để thể hiện tình cách mạng. Cách sắp xếp câu chữ một cách tinh tế, “mình” mở đầu câu thơ và “ta” kết thúc câu thơ như gián tiếp thể hiện sự xa cách, nhớ nhung. Từ “nhớ” được nhắc lại những ba lần đã mở ra dòng cảm xúc lưu luyến, tràn đầy sự nhớ nhung, tình nghĩa của toàn bài thơ.
Để đáp lại tấm lòng của người ở lại, người đi cũng đã thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình qua những câu thơ tiếp theo:
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
Áo chàm” hình ảnh hoán dụ hiện lên trong buổi chia ly đã tạo nên màu sắc của Việt Bắc, màu sắc của núi rừng chiến khu, màu thương nhớ của mối tình quân dân thắm thiết “đậm đà lòng son” suốt mười 15 năm trời gắn bó cùng nhau chiến đấu.
Tiếng lòng của người ở lại đã khiến người đi không khỏi bồn chồn, bâng khuâng, xúc động. Tất cả điều đó dường như đã khơi dậy rất nhiều kỉ niệm khó quên trong tâm trí của người chiến sĩ cách mạng. Nỗi niềm ấy khiến cho cuộc chia ly càng trở nên bịn rịn, lưu luyến hơn. Nó như một sợi dây níu kéo cả người ở và người đi lại với nhau. Mười lăm năm chung sống, gắn bó, chiến đấu dài đằng đẵng đã gắn kết người với người lại với nhau. Họ đã cùng nhau trải qua biết bao nhiêu khó khăn, chia sẻ cho nhau từng miếng cơm, từng manh áo để đến giờ phút chia ly này cảm xúc trào ra thành từng câu chữ:
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh”
Lúc này không có sự phân biệt giữ mình với ta nữa mà “ta với mình” – “mình với ta” như hòa quyện lại làm một, hòa vào nhau thành một khối thống nhất, không tách rời. Hai chữ “đinh ninh” tưởng chừng là mơ hồ nhưng lại là một sự khẳng định chắc chắn về tình cảm sâu sắc mà người đi dành cho những người ở lại. Đó là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý không gì so sánh cũng chẳng có gì có thể thay thế được.
Rời xa Việt Bắc, trở về với cuộc sống nơi phồn hoa đô thị nhưng những người cán bộ chiến sĩ vẫn mang theo một nỗi nhớ núi rừng, nhớ những ngày khó khăn, gian khổ, nhớ những kỷ niệm kháng chiến vất vả mà đầy nghĩa tình. Một bức tranh tứ bình nơi chiến khu với nhiều màu sắc đã làm hiện lên một bức tranh thiên nhiên vùng cao sinh động với những hình ảnh gần gũi, đơn sơ, quen thuộc.
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”
Mùa đông trở lên ấm áp hơn, rực rỡ hơn với màu đỏ tươi của hoa chuối. Đất trời khi vào xuân thì nơi đây lại khoác lên mình tấm áo choàng màu xanh mát của núi rừng, điểm tô trên cái nền xanh ấy là màu trắng tinh khôi của hoa mơ, khung cảnh thiên nhiên thật tươi mát, tràn đầy nhựa sống. Động từ “nở” kết hợp với tính từ “trắng” tạo ra một khung cảnh tuyệt đẹp của những bông hoa tinh khôi đang khoe sắc thắm. Trong cảnh xuân tươi đẹp ấy con người vẫn đang miệt mài lao động làm cho bức tranh càng trở lên hài hòa. Mùa hè tới thì bức tranh này không chỉ có màu sắc, mà nó còn rộn rã âm thanh tiếng ve, thiên nhiên nơi đây cũng chuyển mình mang theo một gam màu vàng tươi của rừng phách khi chuẩn bị bước sang thu. Sau cùng, khi tiết trời sang thu, nơi đây trở lên lung linh huyền ảo hơn dưới ánh trăng mờ mờ ảo ảo, vẻ đẹp ấy dường như mang theo bao ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn. Trong bức tranh sinh động đó, con người được hiện lên trong hình ảnh lao động khỏe khoắn:
“Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
“Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Hình ảnh con người lao động hiện lên giữa bức tranh thiên nhiên ấy thật giản dị, mộc mạc, điều đó đã làm nên một đoạn thơ trữ tình nhất trong Việt Bắc.
Trong nỗi nhớ của mình, tác giả không chỉ dừng lại ở nỗi nhớ con người, nhớ vẻ đẹp thiên nhiên mà còn nhớ cả những năm tháng chiến đấu oanh liệt:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”
Giọng điệu từ nhẹ nhàng, tha thiết đã chuyển sang một giọng thơ hào hùng, đầy khí thế. Tố Hữu đã nhân hóa núi rừng Việt Bắc từ một khu rừng vô tri vô giác trở thành một sinh thể như có linh hồn, thành một bức tường vững chãi bảo vệ cho nhân dân Việt Bắc cùng những người chiến sĩ cách mạng khỏi vòng vây của quân thù. Rồi nhớ những cuộc hành quân đầy gian lao nhưng cũng rất sôi động. Cụm từ “đất rung” thể hiện sức mạnh phi thường của đoàn quân, dù hành quân đêm ngày nhưng họ vẫn giữ sự khỏe khoắn, nhịp điệu trong từng bước đi. Đường hành quân có bao khó khăn, hiểm nguy nhưng những người chiến sĩ vẫn mặc kệ chẳng lo sợ, họ vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, mây trời, ngắm cảnh trời đất. Hai hình ảnh súng và sao mang tính biểu tượng sâu sắc. Súng – hình ảnh gợi lên cảnh chiến tranh, nhưng sao lại vẽ ra một khung cảnh thanh bình, yên ả trong tương lai. Ánh sao ở đây còn ẩn dụ cho đôi mắt người yêu.
Ở cuối đoạn thơ, người đi đã trả lời câu hỏi của người ở lại:
“Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”
Qua lời đáp này người đi muốn nhắn nhủ với người ở lại rằng dù họ ở nơi thành thị sung túc, đủ đầy thì tình cảm mà họ dành cho người ở lại vẫn luôn còn mãi. Như vậy tác giả đã khép lại đoạn thơ bằng tấm chân tình sắt son của người ở lại. Kết cấu đầu cuối tương ứng này được tác giẳ một lần nữa sử dụng để khẳng định tấm lòng thủy chung một lòng sắt son của người đi và người ở.
Người ta nói “Việt Bắc” là một bài thơ điển hình của thơ ca cách mạng vì nó có sự kết hợp giữa chất trữ tình và chính trị. Không chỉ vậy, bài thơ với việc sử dụng thể thơ truyền thống cùng lối hát đối đáp quen thuộc, giản dị, gần gũi đã thể hiện rất rõ tính dân tộc. Chính bởi những điều đó mà Việt Bắc đã khơi gợi được những tình cảm cao đẹp nhất của truyền thống dân tộc đó là tấm lòng thủy chung son sắc một lòng.
“Việt Bắc” quả thật là câu chuyện nhỏ chứa đựng câu chuyện lớn. Nó không chỉ kể về cuộc chia ly thấm đẫm nỗi nhớ, sự lưu luyến giữa người chiến sĩ cách mạng và đồng bào Việt Bắc mà nó còn cho người đọc thấy được sự gian khổ, khó khăn, vất vả trong mười lăm năm chiến đấu hào hùng của dân tộc. Cũng bởi lẽ đó mà đã bao năm nay bài thơ Việt Bắc vẫn luôn có một vị trí nhất định trong tâm trí của độc giả.
Trên đây là toàn bộ những hướng dẫn chi tiết cùng bài phân tích Việt Bắc đặc sắc nhất mà Butbi đã chọn lọc được, mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn phần nào trong việc đọc hiểu và phân tích tác phẩm này.