Kỳ thi đánh giá tư duy 2023 do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ thí sinh và quý phụ huynh. Trong khoảng thời gian này, HOCMAI có nhận được rất nhiều câu hỏi từ quý phụ huynh cùng các bạn học sinh muốn hỏi cụ thể về Kỳ thi đánh giá tư duy, đặc biệt là sự thay đổi về nội dung và hình thức tổ chức kỳ thi này trong năm 2023.
Đáp lại điều đó, HOCMAI đã tổng hợp và giải đáp một số câu hỏi được mọi người quan tâm về kỳ thi này qua biết viết dưới đây.
GIẢI PHÁP ÔN THI ĐÁNH GIÁ TƯ DUY ĐHBKHN 2023
Q&A Giải đáp tất cả các thắc mắc về Kỳ thi Đánh giá tư duy Đại học Bách Khoa Hà Nội
Câu 1: Năm nay có những trường nào xét tuyển kết quả thi đánh giá tư duy ạ?
⇒ Trả lời: Theo thống kê, hiện nay đã có 32 trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy để xét tuyển:
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải
- Trường ĐH Giao thông vận tải
- Trường ĐH Kinh tế Quốc dân
- Trường ĐH Thủy lợi
- Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
- Trường Đại học Mỏ Địa chất
- Học viện Tài chính
- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên
- Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp
- Trường ĐH Thương mại
- Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
- Trường ĐH Dược Hà Nội
- Trường ĐH Mở Hà Nội
- Trường ĐH Hà Nội
- Trường ĐH Công nghệ Đông Á
- Trường ĐH Kinh tế Nghệ An
- Trường ĐH Vinh
- Trường ĐH Hồng Đức
- Trường ĐH Dầu khí Việt Nam
- Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị
- Trường ĐH Quy Nhơn
- Trường ĐH Nguyễn Trãi
- Trường ĐH Đông đô
- Trường ĐH Chu Văn An
- Học viện Chính sách và phát triển
- Trường ĐH Hải Phòng
- Học viện CN Bưu chính – Viễn thông (cơ sở phía bắc)
- Trường ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 1)
- Trường Đại học Thái Bình
- Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh
- Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà
Năm 2023, các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng điểm/ kết quả bài thi Đánh giá tư duy được mở rộng như ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, y dược,… Do đó, số lượng các đơn vị giáo dục công nhận và sử dụng phương thức này để xét tuyển sẽ tăng lên. Các bạn yên tâm là HOCMAI sẽ liên tục cập nhật và update vào danh sách trên.
Câu 2: Ngày 9/4 em có lịch thi khác, em có thể thi bù vào buổi tối hoặc ngày hôm sau được không ạ?
⇒ Trả lời: Có em nhé! Hội đồng tuyển sinh Kỳ thi Đánh giá tư duy cho biết sẽ tiếp tục mở hệ thống thi thử để thí sinh có thể làm quen, trải nghiệm cấu trúc, hình thức làm và ôn luyện bài thi tại nhà đến cuối tháng 4.
Câu 3: Bài thi đánh giá tư duy có thang điểm 100, vậy có phải nếu trả lời 1 câu đúng thì sẽ được 1 điểm phải không ạ?
⇒ Trả lời: Năm nay thang điểm được tính là 100, nhưng không phải cứ 1 câu đúng là được 1 điểm đâu các bạn nhé! Tùy vào phần đó có bao nhiêu câu hỏi, lấy tổng điểm chia cho số câu thì sẽ ra điểm số trung bình.
Câu 4: Ielts được cộng bao nhiêu điểm vào bài thi ĐGTD ạ?
⇒ Trả lời: Bắt đầu từ ngày 30/3/2023, thí sinh nếu có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên và tham gia xét tuyển diện điểm thi theo kết quả của Kỳ thi đánh giá tư duy có thể đăng ký quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ tại địa chỉ https://xttn.hust.edu.vn/. Tuy nhiên cần lưu ý rằng: Quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ là QUYỀN LỢI RIÊNG nếu như thí sinh đăng ký nguyện vọng vào Đại Học Bách Khoa Hà Nội thôi nhé!
Xem hướng dẫn quy đổi điểm TẠI ĐÂY
Câu 5: Địa điểm thi mình tự chọn hay hệ thống tự động chọn gần khu vực mình vậy?
⇒ Trả lời: Khi thực hiện các bước đăng ký dự thi đánh giá tư duy, hệ thống sẽ đưa ra gợi ý về Địa điểm thi gần nhất so với địa chỉ của trường học lớp 12 – Học kỳ II của thí sinh đã khai báo ở các mục trước. Từ ngày 20/4, hệ thống sẽ mở để thí sinh tựu lựa chọn địa điểm thi đánh giá tư duy năm 2023.
- Xem chi tiết các bước đăng ký thi đánh giá tư duy ĐH Bách Khoa Hà Nội TẠI ĐÂY
Câu 6: Cho mình hỏi thi thử Đánh giá tư duy trực tuyến được chứ không phải đến tận ĐHBK Hà Nội để thi đâu đúng không ạ?
⇒ Trả lời: Đúng rồi bạn nhé! Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi thử đánh giá tư duy vào ngày 9/4 theo hình thức trực tuyến trên hệ thống https://tsa.hust.edu.vn. Bạn chỉ cần truy cập vào hệ thống và hoàn thành bài thi thử của mình chứ không cần đến trực tiếp ĐHBK Hà Nội nhé!
Câu 7: Thi đánh giá tư duy trên điện thoại được không ạ?
⇒ Trả lời: Theo như Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã công bố, bài thi đánh giá tư duy được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính, vậy nên không thể dự thi bài thi này bằng điện thoại bạn nhé!
Câu 8: Đề thi ĐGTD gồm có 3 phần. Trong quá trình làm bài, nếu làm hết phần 1 rồi em chuyển sang phần 2 thì em có được quay lại làm những câu hoặc sửa đáp án ở phần 1 không ạ?
⇒ Trả lời: Nếu thí sinh đã làm xong từng phần của Bài thi tư duy và ấn nộp bài thì không thể quay lại phần trước đó để sửa đáp án được nữa nhé. Thí sinh chỉ có thể chỉnh sửa được khi vẫn trong thời gian làm phần thi đó và vẫn chưa nộp bài.
Câu 9: Bài thi tư duy có phải là bắt buộc khi thi vào Đại Học Bách Khoa Hà Nội?
⇒ Trả lời: Bài thi đánh giá tư duy là 1 TRONG 3 CON ĐƯỜNG ĐỂ VÀO các em học sinh vào Đại Học Bách Khoa Hà Nội:
- Xét tuyển thẳng
- Xét tuyển theo kết quả thi ĐGTD
- Xét tuyển theo kết quả thi TN THPT Quốc Gia
Đây không phải là một bài kiểm tra bắt buộc, là tùy chọn vậy nên thí sinh có thể tham gia hoặc không.
Câu 10: Đề thi đánh giá tư duy có khó không ạ, em thấy nhiều bạn bảo Toán Bách khoa khó lắm ạ?
⇒ Trả lời: Bài thi đánh giá tư duy của Đại Học Bách Khoa Hà Nội nhằm mục đích đánh giá về tư duy và năng lực chứ không đánh đố thí sinh.
Qua phổ điểm thi thử đánh giá tư duy 2023, có khoảng 45-50% thí sinh tham dự đạt kết quả khá, giỏi (từ 65 điểm trở lên). Trong đó, có 4 thí sinh đã đạt được số điểm tuyệt đối (40/40) ở phần thi Tư duy Toán học. Như vậy các bạn đã đỡ lo lắng hơn chưa nào ^-^.
Câu 11: Em có được phép thi cả 3 đợt không ạ. Nếu điểm đợt 1 em thấp có ảnh hưởng gì không ạ?
⇒ Trả lời:
- Thí sinh được phép đăng ký dự thi cả 3 đợt thi đánh giá tư duy trong năm 2023
- Vì thí sinh có thể lấy kết quả cao nhất trong các đợt thi để xét tuyển vậy nên nếu đợt 1 có quả thấp thì cũng không ảnh hưởng gì đến thí sinh. Ngược lại, qua đó thí sinh có thể:
- Biết được bản thân đang yếu ở phần thi nào, hổng ở kiến thức nào,… Qua đó ôn tập kỹ hơn những phần kiến thức ấy để chuẩn bị tốt nhất cho đợt thi sau.
- Biết được bản thân có phù hợp với kỳ thi này hay không. Nếu không hợp, thí sinh nên dừng lại và tập trung tất cả 100% công lực cho kỳ thi TN THPT Quốc Gia để xét tuyển đại học.
Câu 12: Giấy chứng nhận kết quả thi đánh giá tư duy có thời hạn trong bao lâu?
⇒ Trả lời: Giấy chứng nhận thi đánh giá tư duy có thời hạn sử dụng trong vòng 2 năm. Như vậy, học sinh lớp 11 đã có thể dự thi đánh giá tư duy từ năm 2023.
Câu 13: Bao nhiêu điểm bài thi đánh giá tư duy là đỗ đại học?
⇒ Trả lời: Điểm xét tuyển bài thi đánh giá tư duy của mỗi trường đại học là khác nhau. Mỗi trường sẽ đưa ra công bố về điểm chuẩn và điều kiện đi kèm khác nhau vậy nên không thể biết chính xác cần bao nhiêu điểm bài thi đánh giá tư duy là đỗ đại học cả.
Câu 14: Kỳ thi đánh giá tư duy 2023 được tổ chức ở đâu ?
⇒ Trả lời: Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 được tổ chức 3 đợt tại:
Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 sẽ được chia làm 3 đợt, trong đó:
- Đợt 1: Hà Nội
- Đợt 2: Hà Nội.
- Đợt 3: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định, Đà Nẵng.
Câu 15: Cấu trúc một đề thi Đánh giá tư duy gồm những gì?
⇒ Trả lời: Về cấu trúc đề thi đánh giá tư duy, các bạn có thể tham khảo tại bài viết: Cấu trúc đề thi đánh giá tư duy 2023 Đại Học Bách Khoa Hà Nội
Câu 16: Những điểm mới của kỳ thi Đánh giá tư duy năm 2023 gồm những gì?
⇒ Trả lời: Các điểm mới của kỳ thi Đánh giá tư duy 2023 là:
- Thời gian dự thi: 150 phút (Năm 2022 là 270 phút)
- Câu hỏi của cả 3 phần thi đều được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính, thi duy nhất trong 1 buổi với tổng điểm là 100 (Năm 2022 gồm hình thức trắc nghiệm và tự luận và theo thang điểm 30).
- Cấu trúc đề thi đánh giá tư duy 2023 không còn bài thi tổ hợp khoa học Tự nhiên (Lý – Hóa – Sinh) và tiếng Anh. Phần thi tư duy Toán học và Tư duy Đọc hiểu vẫn giữ như năm trước. Phần thi mới là Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề.
- Kết quả bài thi sẽ được mở rộng cho các trường thuộc khối ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, nông nghiệp và y dược sử dụng.
Câu 17: Tại sao Đại học Bách Khoa Hà Nội lại thay đổi hình thức tổ chức, thiết kế câu hỏi và chuyển từ thi trên giấy sang máy tính?
⇒ Trả lời: Có 3 lý do chính:
- 1. Giúp quá trình chấm điểm, trả kết quả nhanh và chính xác hơn, tiệm cận với các kỳ thi quốc tế như SAT, ACT (những chứng chỉ được sử dụng rộng rãi trong xét tuyển vào các đại học ở Mỹ).
- 2. Mở rộng việc sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy cho các trường thuộc khối ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính, nông nghiệp và y dược;
- 3. Phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Câu 18: Dự kiến bao giờ Đại Học Bách Khoa Hà Nội mở đợt đăng ký bổ sung ạ?
⇒ Trả lời: Vào 9:00 sáng ngày 20/04, hệ thống của Đại Học Bách Khoa Hà Nội sẽ mở đợt đăng ký bổ sung.
Câu 19: Tại sao em sử dụng trình duyệt Cốc Cốc hay Safari để đăng ký dự thi đánh giá tư duy lại không được vậy ạ?
⇒ Trả lời: Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã có thông báo về việc chỉ được sử dụng duy nhất trình duyệt web Google Chrome để thực hiện các bước đăng ký dự thi đánh giá tư duy em nhé!
Câu 20: Đề thi đánh giá tư duy chính thức có tăng độ khó hơn so với đề thi thử không ạ? Em lo quá!
⇒ Trả lời: Đề thi chính thức dự kiến sẽ có độ khó tương đương với kỳ thi thử, tuy nhiên ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ tiếp thu những ý kiến của các thí sinh dự thi cũng như kết quả bài thi thử để có sự điều chỉnh hợp lý về mức độ khó của đề, có thể còn là giảm số lượng câu hỏi khó xuống.
Trên đây là những câu hỏi, thắc mắc thường gặp nhất của các bạn học sinh đang có mong muốn tìm hiểu, tham gia kỳ thi Đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức. HOCMAI mong rằng những câu trả lời trên đã phần nào giúp cho các bạn hiểu hơn về kỳ thi này.