Soạn bài Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư – Trang 50 sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống tập 1 bao gồm các phần chuẩn bị và trả lời các câu hỏi trong quá trình đọc và sau khi đọc hiểu.
Tham khảo thêm bài viết:
- Soạn bài Mùa xuân chín
- Soạn bài Thực hành tiếng việt trang 58
- Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ
I – Chuẩn bị | Soạn bài Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư Ngữ văn 10 Kết nối tri thức
1. Tóm tắt tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư
Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn thông qua văn bản “Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư” đã phát hiện ra sự phối hợp của tiếng thơ và tiếng thu tạo nên một bản hòa âm đầy tính độc đáo trong thơ của tác giả Lưu Trọng Lư. Bằng những luận điểm chặt chẽ và đầy tài tình cùng cách bình luận tràn đầy cảm xúc, tác giả đã làm nổi bật một cấu trúc ngôn từ thi ca tinh vi và đẹp đẽ.
2. Bố cục tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư
Văn bản có thể chia thành 2 đoạn:
- Đoạn 1: Từ đầu → “vàng khô”: Giới thiệu về bài thơ “Tiếng thu” của tác giả Lưu Trọng Lư
- Đoạn 2: Còn lại: Bài thơ như một bản hòa âm ngôn từ, thể hiện được vẻ đẹp của mùa thu
3. Nội dung chính tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư
Văn bản thể hiện được những phân tích của nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn về ngôn từ, phát hiện ra cái hài hòa của tiếng thơ và tiếng thu của bài thơ “Tiếng thu” do nhà thơ Lưu Trọng Lư sáng tác.
4. Tác giả tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư
4.1. Tác giả
– Chu Văn Sơn là nhà nghiên cứu văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại. Ông sinh năm 1962 và mất năm 2019.
– Quê của ông ở Đông Hương, thành phố Thanh Hóa. Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn là cựu học sinh từng theo học tại trường cấp 3 chuyên Hàm Rồng, ông đã đoạt giải đặc biệt trong kì thi chọn học sinh giỏi Văn toàn quốc
– Ngoài việc trở thành giảng viên giảng dạy tại trường Đại học sư phạm Hà Nội, ông còn là nhà văn, nhà lý luận, nhà phê bình văn học xuất sắc,…
4.2. Sự nghiệp văn học
a) Phong cách sáng tác
– Say mê cái đẹp đã trở thành một bản năng trên hành trình đi tìm cảm hứng sáng tác của tác giả
– Là người có lối tư duy văn học mới lạ và đầy nhạy cảm, đối với nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn, văn chương là một thế giới thú vị muôn màu, là điệu hồn muôn điệu của những âm thanh cuộc sống đã được người nghệ sĩ tài năng phát hiện căn chỉnh và sắp đặt ngôn từ đúng giọng điệu, đúng thang bậc tần suất để có thể phát ra được thứ âm thanh bằng ngôn ngữ rung động, tạo nên sự quyến rũ, cuốn hút lòng người
– Trong sáng tác, bắt nguồn từ quan điểm và nhận thức về cái đẹp cùng với tình yêu, sự say mê với cái đẹp đến khát khao, Chu Văn Sơn giống như một chú ong đầy cần mẫn hút nhụy hương để kết tinh cho đời một thứ văn chương mà chúng ta không bao giờ quên, đó là tinh hoa của trời đất, tinh hoa của tạo hóa đã ban tặng con người
b) Các tác phẩm chính
Những tác phẩm nổi tiếng đã được xuất bản của ông gồm có:
– Ba đỉnh cao thơ mới: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử xuất bản năm 2005
– Thơ – điệu hồn và cấu trúc (năm 2007)
– Tự tình cùng cái đẹp (năm 2009)
5. Tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư
5.1. Xuất xứ
Văn bản được in trong tập “Thơ – điệu hồn và cấu trúc” của tác giả, nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn
5.2. Giá trị nội dung
– Văn bản đã thể hiện được chi tiết những giá trị tiêu biểu và xuất sắc trong việc sử dụng ngôn từ của tác giả Lưu Trọng Lư trong tác phẩm “Tiếng thu” ở nhiều phương diện như bố cục, âm hưởng, âm điệu, vần nhịp, tiết tấu…
– Bên cạnh các giá trị quý giá của bài thơ, Chu Văn Sơn cũng đã chỉ ra được sự tài hoa xuất chúng của Lưu Trọng Lư trong sáng tác thơ ca, cách sử dụng và vận dụng ngôn từ để cho thấy được cái hồn, cái đẹp của ngôn ngữ
– Văn bản đã thể hiện được sự ngợi ca, đầy trân trọng và ngưỡng mộ của tác giả đối với nhà thơ Lưu Trọng Lư. Thông qua văn bản, ta có thể cảm nhận được sự yêu quý và tình cảm của ông đối với những người có tài vận dụng được tối đa sức mạnh của ngôn từ trong quá trình sáng tác để tạo nên các tác phẩm xuất chúng.
5.3. Giá trị nghệ thuật
– Văn bản có bố cục, cách sắp xếp các luận điểm rõ ràng, chi tiết, tăng được tính thuyết phục, có tính liên kết
– Các luận điểm bổ sung và hỗ trợ cho nhau, có luận cứ và dẫn chứng đi kèm, tạo nên một hệ thống luận điểm logic, có sức thuyết phục cao
– Giọng văn trong văn bản được sử dụng rất rành mạch, lưu loát, phù hợp với hình thức văn bản nghị luận nhưng vẫn ẩn chứa trong đó là cảm xúc, truyền cảm hứng và có tác động mạnh mẽ tới người đọc
II – Đọc hiểu | Soạn bài Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư Ngữ văn 10 Kết nối tri thức
1. Trước khi đọc
Qua những bài đã học về thể loại thơ, hãy chia sẻ những điều bạn cảm thấy thú vị cũng như những khó khăn trong quá trình tiếp cận một bài thơ trữ tình.
Lời giải chi tiết:
– Điều thú vị: Một bài thơ trữ tình thú vị bởi đây là thể loại thơ rất dễ đọc, dễ nhớ, không mang tính chất khô khan, triết lý.
– Khó khăn: Khi tiếp cận và tìm hiểu một bài thơ trữ tình, người ta sẽ rất khó có thể nhận biết được nhân vật trữ tình chính và cảm xúc của nhà thơ trữ tình thường được giấu kín trong bài thơ.
2. Trong khi đọc
Câu 1 (trang 53, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Trước khi đọc tiếp văn bản của tác giả Chu Văn Sơn, bạn hãy dừng lại đọc bài thơ “Tiếng thu” của nhà thơ Lưu Trọng Lư và liệt kê những yếu tố hình thức ở bài thơ có thể gây được sự ấn ấn tượng và liên tưởng mạnh cho người đọc.
Lời giải chi tiết:
Những yếu tố hình thức trong bài thơ “Tiếng thu” có thể gây ấn tượng và liên tưởng mạnh cho người đọc:
– Viết hoa chữ đầu ở một số câu thơ: Viết hoa 3 trên 9 câu thơ
– Khổ thơ không có số câu đồng đều: khổ thơ có 5 câu; khổ thơ lại chỉ có 4 câu
→ Người đọc sẽ có cảm nhận giống một văn bản văn xuôi hơn là một bài thơ trữ tình
Câu 2 (trang 54, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Trong đoạn (2) và (3), thao tác lập luận chính mà tác giả Chu Văn Sơn đã sử dụng là thao tác gì?
Lời giải chi tiết:
Trong đoạn 2 – 3 của văn bản, tác giả Chu Văn Sơn đã sử dụng thao tác lập luận chứng minh.
Câu 3 (trang 54, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Xác định câu chủ đề của đoạn văn thứ 4.
Lời giải chi tiết:
Câu chủ đề của đoạn văn thứ 4 là: Tiếng thu là cả một bản hòa âm vừa mơ hồ vừa hiển hiện của bao nỗi xôn xao ngấm ngầm trong lòng tạo vật đang hòa điệu với nỗi xôn xao huyền diệu của hồn thi nhân.
Câu 4 (trang 54, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Từ đoạn văn thứ (5) đến đoạn văn thứ (7), tác giả đã tập trung phân tích những yếu tố hình thức nào của bài thơ “Tiếng thu”?
Lời giải chi tiết:
– Đoạn văn thứ (5): Tác giả tập trung phân tích về yếu tố âm điệu: bài thơ tựa như một khúc ca mùa thu
– Đoạn văn thứ (6): Yếu tố về khổ thơ và cấu trúc ngôn từ đã tự chia bài thơ thành ba phần tương ứng với ba câu hỏi.
– Đoạn văn thứ (7): Yếu tố lặp lại của vần và nhịp: Tác giả đã hiệp vần bằng 2 hệ thống vần trắc và vần bằng.
Câu 5 (trang 55, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Từ đoạn thứ (8) đến đoạn thứ (12), nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn đã tập trung phân tích khía cạnh nào của bài thơ?
Lời giải chi tiết:
Từ đoạn (8) đến đoạn (12), tác giả tập trung phân tích khía cạnh của bài thơ: Phân tích cấu trúc ngôn từ mang tính nhạc, phân tích thứ tiếng của mùa thu: tiếng thổn thức, tiếng rạo rực, tiếng lá thu xào xạc, và âm hưởng của toàn bài thơ: âm bằng.
Câu 6 (trang 57, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Xác định câu chủ đề của đoạn số 13
Lời giải chi tiết:
Câu chủ đề của đoạn số 13: Tôi cứ nghĩ, Lưu Trọng Lư chính là chú nai kia, bởi cái nghiêng tai ngơ ngác thi sĩ của nó.
3. Sau khi đọc
Câu 1 (trang 58, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Theo phân tích của nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn, “tiếng thu” và “tiếng thơ” tương ứng với những bình diện nào trong bài thơ “Tiếng thu” của nhà thơ Lưu Trọng Lư?
Lời giải chi tiết:
Theo phân tích của Chu Văn Sơn, “tiếng thu” và “tiếng thơ” tương ứng với các khía cạnh trong bài thơ của nhà thơ Lưu Trọng Lư:
– “Tiếng thu”: Không chỉ là một âm thanh đơn lẻ, cũng không chỉ là sự tổng hợp đơn giản của những cảm xúc trong thiên nhiên, những rung động trong lòng người và tiếng lá rừng xào xạc. Tiếng thu là một giai điệu thần tiên… Có thể do sự kết hợp đó mà “bản hòa âm mùa thu” đã tìm thấy cho mình một “tác phẩm âm nhạc từ ngôn từ”.
– “Tiếng thơ”: Đặc trưng vang lên từ đáy tâm hồn Thơ chính là âm thanh Xôn xao. Tiếng thu là một bản hòa âm đồng thời mơ hồ và hiển hiện của những cảm xúc tiềm tàng trong tạo vật đang hoà cùng những xôn xao tuyệt diệu của linh hồn nhà thơ.
Câu 2 (trang 58, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Trình tự của bài viết được tác giả sắp xếp theo việc phân tích từ “tiếng thu” hay “tiếng thơ”? Theo tác giả, “tiếng thu” trong bài thơ của nhà thơ Lưu Trọng Lư là gì?
Lời giải chi tiết:
– Trình tự của bài viết được sắp xếp theo trình tự từ “tiếng thơ”, dẫn dắt đến “tiếng thu” rồi lại “tiếng thơ”, tạo nên sự đan xen không tách rời riêng biệt.
– Theo tác giả, “tiếng thu” xuất hiện trong bài thơ của Lưu Trọng Lư là:
+ Không chỉ là một âm thanh đơn lẻ, cũng không chỉ là sự tổng hợp đơn giản của những cảm xúc trong thiên nhiên, những rung động trong lòng người và tiếng lá rừng xào xạc. Tiếng thu là một điệu huyền.
+ Tiếng thu là một bản hòa âm vừa có gì đó mơ hồ nhưng lại hiển hiện của bao nỗi xôn xao ngấm ngầm trong lòng tạo vật đang hòa điệu với nỗi xôn xao huyền diệu của tâm hồn người thi nhân.
Câu 3 (trang 58, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đánh giá về tính hợp lí trong cách tổ chức và triển khai các ý tưởng trong văn bản.
Lời giải chi tiết:
Bài viết được triển khai theo trình tự sắp xếp các luận điểm rõ ràng và cụ thể, mỗi đoạn sẽ có một câu chủ đề riêng, các câu trong đoạn đó sẽ đóng vai trò tập trung để làm rõ cho câu chủ đề. Bài viết không hề đề cập tới những vấn đề gây ra lan man, khó hiểu, không dẫn dắt bạn đọc “cưỡi ngựa xem hoa” mà thường tập trung làm rõ, cụ thể và chi tiết vào vấn đề một cách trực diện nhưng không kém phần cuốn hút.
Câu 4 (trang 58, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Theo tác giả, sự khác biệt lớn nhất nào trong cách miêu tả thiên nhiên của Thơ mới so với thơ cổ điển? Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt ấy?
Lời giải chi tiết:
– Theo tác giả, sự khác biệt lớn nhất trong cách miêu tả thiên nhiên trong thể loại Thơ mới so với thơ cổ điển là: Thơ thời xưa thường miêu tả cảnh thiên nhiên tĩnh lặng. Sự yên bình, thanh vắng đã trở thành một đặc tính của vẻ đẹp thiên nhiên trong nghệ thuật miêu tả xưa. Thơ mới lại khác. Âm hưởng đặc trưng nhất vang lên từ đáy hồn thơ mới của các tác giả chính là tiếng xôn xao.
– Nguyên nhân dẫn đến có sự khác biệt này: các nhà Thơ mới không nhìn cảnh thiên nhiên bằng những sự chiêm nghiệm, mà họ muốn trực tiếp bước vào dò la cái sự sống tiềm tàng chất chứa bên trong lòng tạo vật, khám phá ra sự sống bí mật đầy xôn xao trong lòng thiên nhiên.
Câu 5 (trang 58, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Trong quá trình phân tích ngôn từ của bài thơ Tiếng thu, những thao tác nào đã được nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn thường xuyên sử dụng? Theo bạn, tại sao những thao tác ấy lại cần thiết
Lời giải chi tiết:
– Khi phân tích ngôn từ trong bài thơ Tiếng thu, những thao tác lập luận phân tích, chứng minh đã được nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn thường xuyên sử dụng.
Những thao tác ấy trở nên cần thiết trong việc cảm thụ những giá trị thẩm mĩ của ngôn từ thơ, vì khi ta cảm nhận một thơ nào đó, phải gắn liền với việc phân tích từ ngữ và chứng minh thông qua từ ngữ. Có như vậy, mới có thể hiểu đúng, hiểu đủ và hiểu hay về ý nghĩa mà bài thơ muốn biểu đạt.
Câu 6 (trang 58, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Từ những gợi ý trong bài viết của tác giả Chu Văn Sơn, theo bạn, sức hấp dẫn của một bài thơ thường nằm ở những yếu tố nào?
Lời giải chi tiết:
Sức hấp dẫn của một bài thơ, theo em, sẽ nằm ở những yếu tố như: Ngôn từ được sử dụng trong bài thơ, âm điệu của bài thơ, vần và nhịp của bài thơ, những tín hiệu thẩm mĩ nghệ thuật của bài thơ (như trong bài thơ Tiếng thu là tiếng lá xào xạc).
Trên đây là bài hướng dẫn Soạn bài Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư sách Ngữ văn 10 Kết nối với tri thức với cuộc sống tập 1 do BUTBI tổng hợp và biên soạn gửi đến các bạn. Theo dõi BUTBI thường xuyên để cập nhật những bài viết mới nhất trong chuỗi bài Soạn văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống các bạn nhé!