Soạn bài Củng cố mở rộng trang 70 | Ngữ văn 10 Kết nối tri thức

0

Bài viết hướng dẫn Soạn bài Củng cố mở rộng trang 70 SGK Ngữ văn 10 Kết nối tri thức tập 1 do Butbi biên soạn giúp các bạn học sinh chuẩn bị tốt cho tiết học Văn sắp tới trên lớp. Theo dõi ngay sau đây!

soan-bai-cung-co-mo-rong-trang-70

Tham khảo thêm bài viết:

Câu 1 | Soạn bài Củng cố mở rộng trang 70 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức

Qua bài học này, theo bạn những điều gì tạo nên vẻ đẹp của thơ ca?

Lời giải chi tiết:

Điều làm nên vẻ đẹp của thơ ca chính là ngôn từ, hình ảnh và giọng điệu trong những câu thơ, khổ thơ. Mỗi bài thơ sẽ truyền tải một thông điệp, một tâm trạng khác nhau của nhân vật và tác giả là người tạo ra nó bằng chính những câu thơ giàu hình ảnh, cảm xúc kết hợp cùng với việc sử dụng các biện pháp tu từ.

Câu 2 | Soạn bài Củng cố mở rộng trang 70 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức

Thảo luận nhóm về một trong những chủ đề: 

(1) Tại sao nên đọc thơ? 

(2) Thế nào là một bài thơ hay? 

Lời giải chi tiết:

*Chủ đề (1): Chúng ta nên đọc thơ vì:

– Đọc thơ để có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, cảm nhận được tâm trạng, cảm xúc con người qua thiên nhiên và từ đó thấy được những cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ, hình ảnh.

– Có thể trau dồi thêm được vốn từ ngữ phong phú hơn, vốn từ ngữ giàu tình cảm, giàu sắc thái; học cách để biểu đạt cảm xúc, tâm trạng qua ngôn ngữ viết.

– Người đọc cũng có thể phát triển thêm kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp thông qua việc đọc thơ.

* Chủ đề (2): Một bài thơ hay là:

– Bài thơ có ý thơ hàm súc, lời thơ trong sáng và phải có tính truyền cảm làm cho người đọc cảm thấy xúc động, xao xuyến mỗi khi đọc thơ.

– Bài thơ có giọng điệu, âm điệu hay, có kết cấu chặt chẽ, tài tình hoặc phải tuân theo một quy luật nhất định về niêm – luật.

– Bài thơ mà người đọc có thể cảm nhận được nó, hiểu được tác giả đang viết gì, miêu tả cái gì và truyền tải qua bài thơ quan niệm, suy nghĩ gì.

Câu 3 | Soạn bài Củng cố mở rộng trang 70 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức

Đọc lại tất cả những tác phẩm thơ đã được học trong bài. Sưu tầm hoặc tập hợp một số bài thơ khác có cùng thể thơ hoặc cùng đề tài và ghi chép ngắn gọn lại những điều bạn tâm đắc khi đọc bài thơ đó.

Lời giải chi tiết:

Một số các tác phẩm thơ có cùng thể thơ hoặc cùng chủ đề:

– Cùng thể thơ: Tự tình của Hồ Xuân Hương, Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan,…

– Cùng chủ đề: Sang thu của Hữu Thỉnh, Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư,…

* Những bài thơ cùng đề tài mùa xuân:

– “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử: Bức tranh thiên nhiên về mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống cùng với tâm hồn khát khao được giao cảm với cuộc đời của nhà thơ.

– “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính: Sức sống mùa xuân đậm chất “chân quê”, niềm vui sống và sự chan hoà giữa con người cùng với tạo vật. 

– “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải: Bức tranh mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên, của đất nước và con người, thể hiện những ước nguyện được cống hiến khiêm nhường mà cao đẹp của nhà thơ.

– “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh: Bức tranh thiên nhiên mùa xuân ở nơi núi rừng tràn ngập sức sống, thi vị, thể hiện về tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan và ý thức trách nhiệm đối với dân tộc của Bác. 

Câu 4 | Soạn bài Củng cố mở rộng trang 70 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức

Tìm và đọc thêm một số bài phân tích thơ, từ đó hãy rút ra những kinh nghiệm về cảm nhận và phân tích thơ ca.

Lời giải chi tiết:

Những kinh nghiệm về cảm nhận và phân tích thơ ca:

– Phân tích thơ trước hết cần phải chú ý đến hoàn cảnh ra đời, thể thơ và đặc điểm hình thức thơ. Tiếp đến là khái quát về nội dung, chủ đề bài thơ: Tả cảnh, tả người,…

– Phân tích, cảm nhận qua từng hình ảnh, chi tiết trong từng câu thơ, khổ thơ. Cảm nhận từng câu một không bị ngắt quãng, bỏ dở, đi từng câu tới từng khổ thơ.

– Phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ như phép đối, phép ẩn dụ, so sánh,… để làm nổi bật được ý nghĩa câu thơ, khổ thơ.

– Nhận xét và đánh giá được phong cách nghệ thuật của tác giả.

Câu 5 | Soạn bài Củng cố mở rộng trang 70 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức

Hãy phân tích một tác phẩm thơ được đánh giá là hay (Ngoài bài đã được phân tích ở trong phần Viết của bài học).

Lời giải chi tiết:

Cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, tưởng chừng cùng với sự kết thúc của chế độ xã hội phong kiến suy tàn lạc hậu, nền văn học trung đại Việt Nam sẽ rơi vào ngõ cụt của sự bế tắc cùng với một phương thức phản ánh đã lỗi thời. Nhưng thật kì lạ là trong chính sự suy thoái tưởng chừng đã đến đỉnh điểm ấy lại xuất hiện một tài năng thơ ca xuất chúng như Nguyễn Khuyến.

Ông để lại cho quê hương, đất nước một di sản văn chương phong phú và đồ sộ. Nói đến nhà thơ Nguyễn Khuyến, ông được mệnh danh là nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam bởi vì đã viết rất nhiều bài thơ hay về cảnh làng quê. Đặc biệt là chùm thơ thu, trong đó có bài thơ Thu điếu:

Bài thơ Thu điếu được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ đầy tinh tế, hình tượng là biểu cảm. Cảnh thu, trời thu của làng quê Việt Nam như đang hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngòi bút thần tình của thi sĩ Nguyễn Khuyến. Hai câu đầu nhà thơ hầu như không có hứng thú gì với chuyện câu cá mà đắm say với không khí và cảnh sắc mùa thu, ngay câu đầu ông đã gọi cái ao của mình là ao thu, và với tính chất nước lạnh lẽo trong veo thì đó đúng là ao thu chứ không phải môi trường thích hợp cho việc câu cá.

Không gian được mở rộng, bức tranh mùa thu có thêm độ cao của bầu trời xanh ngắt với những từng mây lơ lửng trôi theo chiều gió nhẹ. Trong chùm thơ thu, thi sĩ Nguyễn Khuyến nhận diện sắc trời thu là màu xanh ngắt. Ở bài Thu vịnh là Trời thu xanh ngắt mấy từng cao, bài Thu ẩm là Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt, và bài Thu điếu là Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo, cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá giống như đang chìm trong giấc mộng thu. Tất cả cảnh vật, từ mặt nước Ao thu lạnh lẽo tới chiếc thuyền câu bé tí teo, từ sóng biếc tới lá vàng, từ tầng mây lơ lửng đến ngõ trúc,… Tất cả đều hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh thoáng chút bâng khuâng, buồn man mác, rất gần gũi, thân thiết với mọi người Việt Nam.

Tựa gối ôm cần chính là tư thế đợi chờ mòn mỏi của người câu cá. Người xưa có kẻ lấy câu cá để làm việc đợi thời, đợi người xứng đáng để phò tá, phù trợ. Văn thơ truyền thống lấy việc câu cá để từ chối việc làm quan và xem câu cá là việc câu người, câu quạnh, câu lưỡi. Bài thơ Thu điếu này cũng thể hiện khát vọng được câu thanh, câu vắng cho tâm hồn của một thi sĩ có phẩm chất thanh cao.

Cái âm thanh cá đớp động gợi lên một sự mơ hồ xa vắng, đánh thức. Bài thơ Câu cá mùa thu là một bài thơ tả cảnh ngụ tình đầy đặc sắc của Nguyễn Khuyến. Âm thanh của tiếng lá rơi đưa vèo ở trong làn gió thu tiếng cá đớp động chân bèo – Đó chính là tiếng thu dân dã, thân thuộc tại đồng quê đã khơi gợi trong lòng chúng ta bao hoài niệm đẹp về quê hương đất nước.

Trên đây Butbi đã hướng dẫn Soạn bài Củng cố mở rộng trang 70 sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống tập 1. Các bạn hãy tham khảo bài soạn thật kĩ chuẩn bị bài thật tốt cũng như tập trung nghe giảng trên lớp để đạt hiệu quả học tập tốt nhất nhé!