Soạn bài Ra-ma buộc tội | Ngữ văn 10 Cánh Diều

0

Soạn bài Ra-ma buộc tội – Trang 28 sách Ngữ văn 10 Cánh Diều tập 1 bao gồm các phần chuẩn bị và trả lời các câu hỏi trong quá trình đọc và sau khi đọc hiểu. 

soan-bai-ra-ma-buoc-toi

Bài viết tham khảo thêm:

I –  Chuẩn bị | Soạn bài Ra-ma buộc tội Ngữ văn Cánh diều Tập 1

Yêu cầu (trang 28 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1)Hãy đọc trước một lượt văn bản Ra-ma buộc tội. Tìm các thông tin liên quan đến sử thi Ra-ma-ya-na từ các nguồn sách, báo, internet,… khác nhau và ghi chép các thông tin quan trọng liên quan đến đoạn trích.

Đọc nội dung giới thiệu để hiểu rõ hơn về bối cảnh của đoạn trích.

Trả lời chi tiết:

– Ra-ma buộc tội là một đoạn trích nhỏ của tác phẩm Ra-ma-ya-na được ra đời vào khoảng thế kỷ III trước công nguyên. Sau đó, tác phẩm đã được bổ sung, trau chuốt bởi các thế hệ tu sĩ – thi nhân và hoàn thiện cuối cùng bởi đạo sĩ Van-mi-ki.

– Tác phẩm bao gồm 24.000 câu thơ đôi kể về hoàng tử Ra-ma và những kì tích của chàng.

– Tác phẩm được chia thành 7 khúc ca:

  • Khúc ca 1: Miêu tả về thời niên thiếu của hoàng tử Ra-ma 
  • Khúc ca 2: Nêu ra những nguyên nhân khiến Ra-ma bị lưu đày 
  • Khúc ca 3: Quỷ vương Ra-va-na-bắt bắt nàng Xi- ta 
  • Khúc ca 4: Ra-ma vua khỉ Xu-gri-va liên kết với nhau
  • Khúc ca 5: Tướng khỉ Ha-nu-man và cuộc do thám của ông
  • Khúc ca 6: Cuộc chiến đấu giữa Ra-ma và quỷ vương, sự ghen tuông của Ra-ma  
  • Khúc ca 7: Kể về ngày đoàn viên 

– Ra-ma buộc tội thuộc Khúc thứ 6, Chương 79 trong tác phẩm

– Đoạn trích Ra-ma buộc tội được chia thành 2 đoạn

  • Đoạn 1: (Từ đầu –>”chịu đựng được lâu”): Đây là đoạn thể hiện rõ lời buộc tội của Ra-ma  
  • Đoạn 2: (Phần còn lại): Lời đáp trả và hành động của nàng Xi-ta đối với Ra-ma

II – Đọc hiểu | Soạn bài Thần trụ trời đi tìm táo vàng Ngữ văn 10 Cánh Diều

Câu 1 (trang 28, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)

Hãy hình dung bối cảnh hoàng tử Ra-ma và nàng Xi-ta gặp lại nhau

Lời giải chi tiết:

* Về phía hoàng tử Ra-ma:

– Xi-ta phải đứng trước mọi người trong cộng đồng trông giống như một bị cáo đứng trước tòa đợi xử án

– Ra-ma ngự trên ngôi như một vị thủ lĩnh, khác hẳn với Xi-ta, một quan tòa có quyền kết án.

– Ra-ma trở thành một người chồng – một người anh hùng và là một đức vua

– Ra-ma trong đoạn trích vừa phải giữ được bổn phận của người làm chồng nhưng vẫn phải giữ tròn bổn phận của một đức vua, của một vị anh hùng

* Về phía Xi-ta:

– Nàng phải xa chồng là Ra-ma, bị quỷ vương dụ dỗ, nàng phải đấu tranh để có thể giữ được trinh tiết

– Nàng rất vui mừng và hạnh phúc khi được giải cứu

→ Bối cảnh gặp lại nhau của vợ chồng Ra-ma và Xi-ta nặng nề, trang trọng như một phiên tòa phán xử.

Câu 2 (trang 29, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)

Lời nói và tình cảm của chàng Ra-ma có gì mâu thuẫn?

Lời giải chi tiết:

– Ra-ma với tư cách vừa là người chồng, vừa là một vị vua và cũng là người anh hùng, do đó, Ra-ma dù rất yêu thương vợ nhưng vẫn phải giữ tròn bổn phận của người đứng đầu cộng đồng.

– Thấy vợ với khuôn mặt bông sen và những cuộn tóc lượn sóng đầy xinh đẹp đứng trước mặt, lòng Ra-ma đau như bị dao cắt.

– Ra-ma vì sợ tai tiếng nên đã nói với nàng Xi-ta những lời nói rất lạnh nhạt.

– Tuy nhiên, những lời chàng nói ra không phải xuất phát từ nỗi lòng sâu kín của chàng.

Câu 3 (trang 30, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)

Tâm trạng của nàng Xi-ta trong bối cảnh ấy như thế nào?

Lời giải chi tiết:

– Sau khi nghe được những lời giận dữ của chồng mình là Ra-ma, Xi-ta đau đớn đến nghẹt thở, giống như một cây dây leo bị vòi voi quật nát

  • Xi-ta muốn giấu mình đi vì quá xấu hổ
  • Nàng khiêm nhường trước chồng mình là Ra-ma
  • Nàng muốn tự chôn vùi hình hài, thể xác của mình, vừa xót xa, vừa tủi thẹn

– Nỗi đau của nàng Xi-ta là nỗi đau đánh mất danh dự của con người trước  toàn thể cộng đồng lớn

– Xi-ta đã thay đổi cách xưng hô của mình với Ra-ma từ thân mật tới xa cách: chàng-thiếp; Đức vua; Người-ta

– Xi-ta bước vào ngọn lửa và cầu xin với thần lửa hãy bảo vệ và chứng minh cho tấm lòng trong sạch của nàng

Câu 4 (trang 32, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)

Thái độ của nàng Xi-ta khi bước lên giàn lửa có điều gì đặc biệt?

Lời giải chi tiết:

soan-bai-rama-buoc-toi-1

Xi-ta bước lên giàn lửa với một thái độ đầy bình thản và gửi một lời cầu nguyện từ tận đáy lòng đến thần lửa A-nhi (vị thần tượng trưng cho sự quang minh chính đại). Hành động khoan thai bước vào ngọn lửa của nàng Xi-ta là điểm sáng chói lọi trong tính cách của nàng, vừa tô thêm tính chất bi hùng của thiên sử thi đầy vĩ đại này. Cuối cùng, vì nàng Xi-ta là người trung trinh sắt son nên thần Lửa A-nhi đã không thiêu đốt nàng. Thân hình nàng tỏa ra ánh  rực rỡ như đóa sen xòe cánh nhụy vàng tỏa hương thơm.

III – Trả lời câu hỏi cuối bài | Soạn bài Thần trụ trời Ngữ văn 10 Cánh Diều  

Câu 1 (trang 32, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)

Đoạn trích Ra-ma buộc tội miêu tả sự kiện gì? Sự kiện ấy có bối cảnh như thế nào?

Lời giải chi tiết:

Văn bản Ra-ma buộc tội đã thuật lại sự kiện chàng Hoàng tử Ra-ma đã chiến thắng quỷ vương Ra-va-na và giành lại được người vợ yêu quý là nàng Xi-ta xinh đẹp, kiều diễm. Khi 2 vợ chồng gặp lại nhau, Xi-ta vui mừng khôn xiết. Nhưng hoàng tử Ra-ma lại khác. Chàng nghi ngờ vợ mình không giữ được trọn vẹn danh tiết và phẩm hạnh của mình trong thời gian bị quỷ vương Ra-va-na bắt cóc nên đã tuyên bố từ bỏ nàng. Mặc cho Xi-ta ra sức thanh minh nhưng Ra-ma vẫn không bị lay chuyển. Nàng Xi-ta đành bước lên giàn hỏa thiêu, cầu xin thần lửa A-nhi chứng giám cho đức hạnh trung trinh của mình.

Bối cảnh của sự kiện: Vợ chồng Ra-ma và Xi-ta gặp nhau trong bầu không khí đầy nặng nề, trang nghiêm chứ không vui mừng, hạnh phúc như dự đoán.

Câu 2 (trang 32, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)

Đề bài: Nhân vật các vị anh hùng được xây dựng trong sử thi được miêu tả là đại diện cho cả cộng đồng và danh dự cộng đồng. Do đó, họ thường đặt tính cộng đồng lên trên danh dự cá nhân. Điều này đã được thể hiện như thế nào trong đoạn trích Ra-ma buộc tội?

Lời giải chi tiết:

Nhân vật người anh hùng xuất hiện trong các tác phẩm sử thi được miêu tả là đại diện cho cộng đồng, danh dự cộng đồng và thường được đặt trên danh dự cá nhân đã được thể hiện trong đoạn trích Ra-ma buộc tội là:

* Hoàn cảnh của cuộc tái hợp giữa chàng Ra-ma với vợ:

– Xi-ta đứng trước mọi người trong cộng đồng như một bị cáo

– Ra-ma ngự trên ngôi như một vị thủ lĩnh, một quan tòa có quyền kết án.

– Ra-ma trong tư cách kép: Một người chồng – một người anh hùng, một đức vua

– Ra-ma trong ràng buộc kép: bổn phận người chồng nhưng vẫn phải giữ tròn bổn phận của một đức vua, anh hùng

* Tâm trạng của chàng Ra-ma

– Trước khi nàng Xi-ta bước lên giàn hỏa thiêu:

+) Khi đứng trước cộng đồng của mình:

  • Khẳng định sự chiến thắng và tài nghệ của mình
  • Tuyên dương các công trạng của những người đã giúp đỡ mình

→ Lời lẽ rành mạch, rõ ràng và đầy sự tự hào

+) Khi đứng trước Xi-ta

Lời nói:

  • Cách xưng hô đầy trịnh trọng nhưng rất xa lạ: ta-phu nhân
  • Nhấn mạnh vào mục đích chiến đấu của mình không phải vì danh dự hay phẩm giá của bản thân và cộng đồng lớn “ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta”
  • Bộc lộ sự nghi ngờ, ghen tuông về sự trung trinh của vợ mình là nàng Xi-ta: “nàng đã lưu lại lâu trong nhà kẻ xa lạ, đôi mắt tội lỗi của hắn hau háu nhìn nàng”
  • Nhục mạ Xi-ta, chối bỏ Xi-ta là vợ của mình và đuổi nàng đi: “ta không ưng nàng nữa, ta không cần đến nàng nữa”

→ Lời nói hàm chứa đầy sự lạnh lùng, tàn nhẫn đối với Xi-ta

Dáng vẻ, hành động:

  • Thấy người vợ xinh đẹp tựa như bông sen “lòng Ra-ma đau như cắt”
  • Ra-ma khi nghe người nọ người kia thì thào bàn tán, ngồi suy nghĩ ủ ê, thầm rỏ nước mắt

→ Thái độ đầy đau đớn và xót xa

→ Sự đối lập trong lời nói, dáng vẻ, hành động buộc Ra-ma phải chọn giữa một bên là bổn phận của một đức vua, một bên là tình yêu, hạnh phúc cá nhân của mình

– Khi Xi-ta lên giàn hỏa thiêu

  • Kiên quyết không nói một lời, chỉ ngồi câm lặng “mắt dán xuống đất”
  • Ra-ma tê dại “nom chàng khủng khiếp như thần chết”

→ Giữa tình yêu và danh dự, chàng Ra-ma đã lựa chọn danh dự, một con người hi sinh hạnh phúc của cá nhân để có thể bảo vệ đạo đức xã hội.

Câu 3 (trang 32, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)

Thông qua hình tượng của 2 nhân vật Ra-ma và Xi-ta,theo em, người Ấn Độ cổ đại có quan niệm thế nào đối với mẫu người anh hùng lí tưởng và mẫu người phụ nữ lí tưởng? Theo em, quan niệm đó có còn phù hợp với cuộc sống ngày nay không? Giải thích

Lời giải chi tiết:

Người Ấn Độ cổ đại có quan niệm đối với mẫu anh hùng lí tưởng và mẫu người phụ nữ lí tưởng:

– Trong văn học Ấn Độ cổ đại:

+ Hình tượng người phụ nữ gắn liền với những vẻ đẹp về hình thức, phẩm chất nhân cách bên trong như sự đức hạnh, tình yêu thương bao la đối với con người và cảnh vật xung quanh, sự chung thủy và sự chịu đựng đáng trân trọng của người phụ nữ trong mối quan hệ với các vấn đề xã hội (tôn giáo, đẳng cấp, hôn nhân) tuân theo quan niệm của giáo lí. Với tất cả phẩm chất tốt đẹp ấy, những người phụ nữ này xứng đáng được xem là “khuôn vàng thước ngọc”.

+ Hình tượng người anh hùng lí tưởng: được người Ấn Độ cổ đại xây dựng trên cảm quan và tư duy tôn giáo. Nhân vật anh hùng thường có ngoại hình, tầm vóc đẹp, có kích thước lớn. Bởi sự chú trọng của người Ấn Độ cổ đại có liên quan tới đời sống tâm linh, nên hình dáng của những người anh hùng không chỉ là cái bên ngoài mà còn là hình dáng được cảm nhận từ bên trong. Nhân vật anh hùng trong bộ sử thi Ramayana, có vẻ bề ngoài thánh thiện. Ngoài tầm vóc mang kích thước lớn, là biểu tượng cho sức mạnh thể chất – tinh thần của cộng đồng dân tộc, nhân vật anh hùng sử thi Ra-ma còn tỏa sáng với vẻ đẹp của đức hạnh, trí tuệ, tài năng và lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực phi thường được coi là phẩm chất tuyệt đối. Trong sử thi Ramayana, nhân vật Ra-ma được xây dựng là người anh hùng hoàn hảo, chàng không chỉ sở hữu vẻ đẹp về hình thức mà tài năng và đức hạnh của chàng cũng rực rỡ như các vì sao trên bầu trời.

– Theo em, quan niệm đó không còn phù hợp với ngày nay. Tại vì, ngày nay người ta không còn đặt nặng về các chuẩn mực ấy nữa.  Họ có những tiêu chuẩn riêng nhưng ở mức độ vừa phải và không yêu cầu quá cao về ngoại hình mà chú trọng đến hành động của họ.

Câu 4 (trang 32, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)

Từ đoạn trích Ra-ma buộc tội, em hãy liên hệ với trích đoạn Hê-ra-clét đi tìm táo vàng để chỉ ra những điểm khác biệt của nhân vật anh hùng trong sử thi và nhân vật trong thần thoại?

Lời giải chi tiết:

– Nhân vật anh hùng trong thể loại truyện thần thoại có hình dạng và hành động phi thường kết hợp với khả năng biến hóa khôn lường, không có thật.

– Nhân vật anh hùng trong sử thi: Không chỉ có sức mạnh, tài năng, phẩm chất và đẹp phi thường, nhân vật anh hùng của thể loại sử thi cũng thường có tinh thần dũng cảm xả thân vì cộng đồng trong chiến đấu chống kẻ thù và chinh phục tự nhiên.

Trên đây là bài hướng dẫn chi tiết Soạn bài Ra-ma buộc tội trong chương trình Ngữ văn 10 tập 1 Cánh diều. Các bạn hãy tham khảo thật kỹ và chuẩn bị bài soạn sắp tới thật tốt nhé!