Dù bạn là học sinh hay đã đi làm thì kỹ năng ghi chép hiệu quả luôn là công cụ hữu ích cho việc học tập hay công việc của bạn. Dù mỗi chúng ta đều có ‘nhiều năm kinh nghiệm’ ghi chép bài vở ở trường, hầu như không ai được dạy cách ghi chép sao cho hiệu quả và phí phạm thời gian, công sức với những cách làm không hiệu quả.
Thật không may, những cách ghi chép đó lại quá phổ biến và được nhiều người áp dụng.
Những cách ghi chép không hiệu quả
Bạn có hay dùng bút đánh dấu chi chít quyển vở ghi? Bạn có gạch chân những điểm quan trọng? Bạn có thi thoảng đọc lại vở ghi để nhớ lại kiến thức?
Tin xấu dành cho bạn đây: những cách đó gần như là vô ích.
Dùng bút đánh dấu làm khó ghi nhớ hơn
Trên thực tế, dùng bút đánh dấu (còn gọi là bút highlight) là một phương pháp tệ hại, nó thậm chí còn có thể tác động xấu đến khả năng hồi tưởng của bạn. Nguyên nhân là do phương pháp này chỉ làm nổi một vài phần của cả trang vở, tách riêng chúng khỏi văn cảnh gốc, khiến trí nhớ khó hình thành sự liên kết hơn, và do đó, khó ghi nhớ hơn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hầu hết các cách ghi chép hiệu quả đề mang tính chủ động, trong khi đọc đi đọc lại, dùng bút highlight hay là gạch chân đều là những phương pháp mang tính bị động.
Chúng ta cần tương tác nhiều hơn với vở ghi và kiến thức trong đó, nếu chúng ta muốn học thuộc.
Những cách ghi chép hiệu quả, giúp cải thiện khả năng ghi nhớ
Ghi chép bằng viết tay
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, ghi chép bằng laptop thay vì viết tay làm giảm khả năng hồi tưởng thông tin.
Trong một nghiên cứu liên quan đến vấn đề này, các nhà khoa học đã cho các học sinh xem một đoạn video thuyết trình của TED talk, và sau 30 phút các em phải trả lời những câu hỏi liên quan đến nội dung trên video.
Những học sinh ghi chép bằng viết tay đạt kết quả tốt hơn những người ghi chú bằng laptop.
Khi xem lại bản ghi chép của các học sinh, các nhà nghiên cứu đã hiểu lý do vì sao dẫn đến sự khác biệt như vậy.
Những người ghi chép bằng máy tính thường gõ nguyên văn lời nói của diễn giả trong video, còn người viết tay không thể viết đủ nhanh để làm như vậy được.
Khi người ta có thể gõ đủ nhanh để ghi lại nguyên văn mọi thông tin, họ sẽ chẳng cần vận đến tư duy phản biện và khả năng tập trung nữa, chỉ đơn giản là gõ lại nguyên văn những gì diễn giả nói.
Trong khi đó ghi chép bằng tay đòi hỏi tư duy nhiều hơn.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đặc biệt yêu cầu những học sinh ghi chép bằng máy tính không được gõ lại nguyên văn.
Trong lần thử nghiệm này, học sinh viết tay vẫn làm bài tốt hơn. Không những thế, những học sinh ghi chép bằng máy tính vẫn gõ lại nguyên văn lời diễn giả.
Đề nghị của các nhà nghiên cứu không hề tạo nên sự khác biệt nào.
Sang lần thử nghiệm thứ 3, các nhà nghiên cứu cho các học sinh thời gian 1 tuần (chứ không phải 30 ngày như trước) để chuẩn bị trả lời câu hỏi.
Trước khi bắt đầu bài kiểm tra, họ cho phép một số học sinh thời gian 10 phút để nhìn lại bản ghi chép của mình.
Một lần nữa, những em học sinh viết tay làm bài tốt hơn. Ngoài ra, những người được xem lại vở ghi 10 phút trước khi làm bài đạt thành tích trội hơn.
Vậy viết bằng tay là cách ghi chép tốt hơn so với dùng máy tính, và sẽ càng hiệu quả hơn nếu bạn dành thời gian ôn lại trước khi kiểm tra.
Nếu bạn ghi chép quá lâu, hãy nghiên cứu các kỹ thuật tốc ký để tăng tốc độ ghi chép sau đây.
1. Bullet Journal
Bullet Journal là kỹ thuật ghi chép được sáng tạo bởi nhà thiết kế Ryder Carroll của Brooklyn, người đã dành ra 20 năm nghiên cứu, phát triển phương pháp này.
Về bản chất, Bullet Journal là sự kết hợp giữa to-do-list, các kế hoạch và nhật ký.
Để sắp xếp, tổ chức vở ghi chép hiệu quả và dễ dàng tra cứu lại khi cần, bạn nên áp dụng Bullet Journal.
Cách tạo Bullet Journal
Phương pháp Bullet Journal được thiết kế phù hợp với bất kỳ cuốn sổ nào, giúp bạn lưu giữ các bản ghi chép có trật tự hơn.
2. Sketchnote – Ghi chép bằng hình ảnh
Có thể nghe hơi ngớ ngẩn, nhưng nghiên cứu cho thấy nếu bạn vẽ thứ gì đó ra thì bạn sẽ ghi nhớ lâu hơn.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một chuỗi thử nghiệm để so sánh giữa phương pháp viết và các phương pháp khác để ghi nhớ từ ngữ, kết quả vẽ là phương pháp tối ưu nhất.
Ở thử nghiệm đầu tiên, họ cho các tình nguyện viên những từ dễ vẽ minh họa (ví dụ ‘quả táo’) và yêu cầu họ vẽ hoặc viết các từ đó.
Để đảm bảo các tình nguyện viên dành lượng thời gian bằng nhau, mỗi người được cho phép 40 giây cho mỗi từ và dùng hết khoảng thời gian đó.
Vì vậy họ có thể viết hoặc vẽ đi vẽ lại, hoặc chỉ làm một lần và dành thời gian còn lại để thêm các chi tiết khác.
Sau đó họ kiểm tra xem các tình nguyện viên nhớ được bao nhiêu từ. Kết quả vẽ giúp họ nhớ nhiều gấp đôi viết.
Thí nghiệm sau đó so sánh giữa vẽ với các phương pháp khác: viết lại các đặc tính của vật (chẳng hạn như màu sắc, hình dạng, kích thước, chủng loại) hay nhìn vào hình ảnh của vật đó.
Và vẽ vẫn là phương pháp tối ưu nhất.
Ghi chép bằng hình ảnh – Sketchnote
Các nhà nghiên cứu cho rằng, vẽ là phương pháp hiệu quả nhất và nó tích hợp nhiều kỹ năng khác nhau. Khi ta vẽ một vật, ta phải cân nhắc các đặc điểm vật lý, tưởng tượng nó trong đầu, dùng kỹ năng vận động để truyền đạt lại trên giấy. Sự tích hợp này đem lại cho chúng ta một lượng thông tin phong phú hơn là khi chúng ta chỉ viết hay nhìn vào tranh ảnh. Phương pháp sketchnote được phát triển bởi nhà thiết kế Mike Rohde với cuốn sách ‘The Sketchnote Handbook’ Sketchnote Workbook’.
Rohde dùng khái niệm sketchnote để gọi tên cách anh vẽ các hình khối, tranh ảnh kết hợp trong các bản ghi chép để ghi lại các ý chính trong các buổi hội thảo, thay vì chép lại từng nội dung nhỏ. Rohde khuyến khích mọi người dùng kí hiệu và hình khối như hộp, mũi tên, cỡ chữ to nhỏ khác nhau và những hình vẽ để minh họa cho bản ghi chép.
Bạn không cần phải là họa sĩ nhưng vẫn có thể dùng sketchnote, anh cho biết. Cái bạn cần là sử dụng các hình khối đơn giản và hình ảnh để minh họa các luận điểm. Nếu bạn có thể kết hợp các chiến thuật với nhau, việc ghi chép và học tập của bạn sẽ càng hiệu quả hơn.
Hãy thử ngay các phương pháp này, và nhớ: bỏ ngay bút đánh dấu và ngưng phí thời gian đánh máy trên laptop!
Nguồn: giadinhmoi.vn