Lời dặn từ thầy cô HOCMAI đến các sĩ tử 2k6 trước kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia quan trọng!

0

“Thà để mồ hôi rơi trên giấy, còn hơn nước mắt rơi trên đề” – Lời dặn dò từ thầy cô tới các sĩ tử 2k6 trước kỳ thi THPT

Tháng 6 này, các sĩ tử 2k6 đang phải bước vào cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt. Thời điểm này, điều mà rất nhiều phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm là làm thế nào để có được kết quả thi tốt nhất. Cùng lắng nghe chia sẻ từ những giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm đồng hành cùng nhiều thế hệ học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia của Hệ thống giáo dục Hocmai, để tự tin bứt phá và chinh phục trường Đại học mơ ước!

Môn ngữ văn: Văn học là khả năng cảm nhận tinh tế

 

Theo cô Trịnh Thu Tuyết- giáo viên môn Văn học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, khoảng một tuần cuối cùng trước môn thi đầu tiên, các em vẫn đủ thời gian đong đếm lại hành trang kiến thức, kĩ năng đã được trang bị và ôn luyện, chuẩn bị cho mình tâm thế tốt nhất để bình tĩnh, tự tin, chiến thắng.

Trước hết, các em hãy tự kiểm tra lại hệ thống kỹ năng đáp ứng từng loại câu hỏi trong đề thi. Các em cần ôn tập theo các đơn vị kiến thức cơ bản trong mô hình đề thi từ năm 2017 tới nay với ba phần: bài Đọc hiểu, viết đoạn văn nghị luận xã hội, viết bài văn nghị luận văn học.

Cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong câu lệnh của đề bài, và theo mô hình đề những năm gần đây, đề bài thường có hai câu lệnh. Câu lệnh chính thường yêu cầu phân tích hoặc cảm nhận một đoạn văn bản đã học trong chương trình sách giáo khoa lớp 12, câu lệnh phụ thường yêu cầu từ sự phân tích, cảm nhận đó, rút ra nhận xét một giá trị về nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể trong văn bản, đoạn văn bản.

Sau khi đã xác định yêu cầu nghị luận, các em nên phác thảo sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài, thiếu ý. Nếu đoạn văn Nghị luận xã hội cần sự thể hiện cái tôi bản lĩnh, trung thực thì bài Nghị luận văn học rất cần khả năng cảm nhận tinh tế, sự phân tích sâu sắc và tình cảm chân thành.

Môn toán học: Những câu nào làm được thì chắc chắn phải đúng

Thầy Lưu Huy Thưởng- giáo viên môn Toán học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ “Tùy thuộc năng lực, mục tiêu điểm số của mỗi người, chúng ta xác định “độ sâu” về kiến thức cần học đối với mỗi chủ đề. Ví dụ, với mục tiêu 8,5-9 điểm, trước tiên, bạn cần hoàn thành chính xác 38-40 câu đầu tiên (hầu hết là các câu cơ bản, trải rộng ở tất cả các chủ đề của chương trình lớp 12 và một phần lớp 11); 10 câu còn lại, các bạn có thể lựa chọn xem mình sẽ “đi sâu” vào dạng câu hỏi nào.”

Một số nguyên nhân dẫn đến sai lầm: Ở nhà phép tính nào cũng dùng máy tính nhưng khi đi thi lại tính nhẩm; với các bài cơ bản, ở nhà làm theo một cách, đi thi lại sáng tạo ra một cách mới.

Chiến thuật trong giai đoạn này là bảo toàn điểm số. Hãy chắc chắn rằng, những câu nào các bạn làm được thì chắc chắn phải đúng. Hãy ăn đủ chất, tập thể dục thường xuyên và ngủ ít nhất 6 tiếng một ngày để có một trí tuệ minh mẫn và đi thi vào đúng điểm rơi phong độ.

Thí sinh đã nỗ lực trong suốt những tháng ngày vừa qua, vậy nên tối trước những hôm thi, các em cần đi ngủ sớm.

Khi làm bài, các em hãy cứ bình tĩnh, làm từ dễ đến khó, làm từ quen đến lạ, tránh sa đà vào những câu hỏi lạ và khó. Tuyệt đối, làm theo đúng phương pháp đã ôn luyện với những câu cơ bản, quen thuộc. Toán là môn trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, dù không làm được cũng phải chọn hết đáp án của các câu hỏi.

Môn tiếng anh: Không đánh giá thấp các câu dễ, không đánh giá cao các câu khó

“Khi làm bài, các em cẩn thận và ghi nhớ “nguyên tắc thận trọng”, không đánh giá quá thấp các câu hỏi dễ, không đánh giá quá cao các câu hỏi khó, bởi dù dễ hay khó, điểm số đều như nhau”. 

  • Chia sẻ của thầy Nguyễn Trung Nguyên- giáo viên môn Tiếng anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI 

Căn cứ theo đề minh họa, đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2024 vẫn giữ 100% các câu hỏi trắc nghiệm, 50 câu hỏi, thời gian làm bài 60 phút. Các dạng câu hỏi có lẽ vẫn sẽ là dạng bài hoàn thành câu, từ đồng nghĩa – trái nghĩa, phát âm – trọng âm, tiếng Anh giao tiếp, hoàn thành đoạn văn, đọc hiểu, tìm lỗi sai và viết lại câu.

 

Kiến thức xuất hiện trong đề thi chắc chắn sẽ đều là những kiến thức ngữ pháp và từ vựng các em đã được tìm hiểu trong chương trình tiếng Anh THPT, đặc biệt là chương trình tiếng Anh lớp 12. Vì vậy, nếu nắm chắc các kiến thức theo phân phối chương trình SGK, chắc chắn việc đạt điểm số tốt không phải là vấn đề khó.

Đề thi tốt nghiệp THPT luôn mang tính đại trà, tức là sẽ luôn có những câu hỏi để “chống liệt”, rất dễ nhưng đáng tiếc nhiều học sinh chủ quan làm sai những câu như vậy. Do đó, khi làm bài, các em hãy cẩn thận và luôn ghi nhớ “nguyên tắc thận trọng”, không đánh giá quá thấp các câu hỏi dễ, không đánh giá quá cao các câu hỏi khó, bởi dù dễ hay khó, điểm số đều như nhau, chỉ khoanh khi biết chắc chắn đó là đáp án đúng (với những câu có thể làm được tốt).

 

Có một điều nữa đó chính là luôn phải chuẩn bị cho mình sức khỏe thật tốt về mặt thể chất và tinh thần, tránh ăn uống những đồ lạ trước kỳ thi để phòng tránh những trường hợp xấu. Ngoài ra, các em cần nắm rõ các quy chế thi để không vi phạm một cách đáng tiếc.

 

Môn vật lý: Thận trọng nhưng cũng phải cố gắng làm nhanh nhất có thể

 

Theo thầy Nguyễn Thành Nam-  giáo viên môn Vật lý tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ một trong những vấn đề lớn nhất thí sinh thường mắc phải là không quản trị tốt thời gian làm bài thi, khiến cho kết quả thi thấp hơn so với năng lực thực tế.

 

Nhiều thí sinh mắc lỗi phân phối thời gian không phù hợp giữa các phần, dành quá nhiều thời gian cho một số câu hỏi khó trong khi lại làm vội, làm sai, hoặc bỏ lỡ những câu hỏi dễ, những câu hỏi vừa sức mà bản thân có thể làm được.

Trong quá trình làm bài, thí sinh cần kiểm soát để tổng thời gian dành cho một hạng câu hỏi không bị vượt khung thời gian đã đặt ra, và thời gian làm một câu hỏi không được vượt quá thời gian trung bình đã tính cộng với thời gian tiết kiệm được của những câu hỏi trước đó. Vừa phải làm hết sức thận trọng nhưng đồng thời cũng phải cố gắng để làm nhanh nhất có thể, để tiết kiệm thời gian cho những câu hỏi còn lại.

 

Sau khi làm xong toàn bộ số câu có thể làm được, trong thời gian 2 phút cuối cùng trước khi hết giờ làm bài, các bạn tiến hành đoán ngẫu nhiên những câu hỏi không làm được theo nguyên tắc: trên phiếu trả lời câu hỏi, trong số các cột A, B, C, D thường có một cột có số lựa chọn là ít nhất, hãy đoán ngẫu nhiên tất cả các câu hỏi còn lại vào cột đó để xác suất đoán trúng là cao nhất. 

 

Môn hóa học: Nếu còn phân vân hoặc giải không ra phương án nào thì nên làm câu khác

 

cô Tống Thị Son- giáo viên môn Hóa học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI tư vấn, Trong giai đoạn sắp đến ngày thi, tùy vào mục tiêu điểm của từng môn mà học sinh cần có chiến lược ôn tập khác nhau: Với những học sinh mục tiêu đỗ tốt nghiệp, nên tập trung ôn vào kim loại vì phần này chiếm số lượng lớn các câu trong đề hơn, đặc biệt là chương đại cương kim loại. Với những học sinh mục tiêu điểm cao, cần rà soát lại lý thuyết, luyện những mệnh đề đúng sai sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức rất tốt, đọc lại sách giáo khoa những phần mà học sinh hay bỏ qua và hay quên như tính chất vật lý, ứng dụng và chương polime cũng là một phần học sinh nên đọc lại vì nhiều lý thuyết khó nhớ. Đọc lại những thí nghiệm có trong sách giáo khoa để hiểu được các bước tiến hành, các hiện tượng thí nghiệm liên quan đến màu sắc, khí, kết tủa.

Một điều quan trọng trong mẹo khoanh trắc nghiệm môn Hóa thi tốt nghiệp THPT 2024 là cần đọc hết nội dung câu hỏi, tránh tình trạng đọc đến nửa câu đã khoanh đáp án dẫn đến trả lời sai nội dung câu hỏi. Chắc chắn trong đề sẽ có nhiều câu mới, đó là điều hết sức bình thường, mới không có nghĩa là khó không thể làm được, mình chỉ cần có kiến thức nền, có kỹ năng được rèn luyện qua thời gian thì dù dạng câu hỏi có mới mình cũng vẫn tư duy để làm được.

 

Khoanh đáp án vào đề, và tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm sau mỗi mốc 20 câu – 10 câu tiếp Các câu còn lại, để đầu óc có những giây phút nghỉ ngơi tránh suy nghĩ căng thẳng kéo dài, đối chiếu số thứ tự từng câu trong đề để khớp với số thứ tự từng câu trong phiếu tô.

Nếu có câu phân vân hoặc giải không ra phương án nào, nên chuyển sang làm câu khác để ngắt mạch suy nghĩ liên quan đến câu đó, tránh bị định hướng theo lỗi sai đang mắc phải.

 

Môn sinh học: Nếu còn phân vân hoặc giải không ra phương án nào thì nên làm câu khác

 

Thầy Nguyễn Thành Công- giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã có những tư vấn cho học sinh trong giai đoạn nước rút:

Chỉ còn ít ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra và đây là giai đoạn các sĩ tử tập trung cao độ cho việc ôn tập. Kỳ thi năm nay được đánh dấu là kỳ thi lịch sử, khép lại sứ mệnh của chương trình giáo dục phổ thông 2006. Điều thuận lợi với các thí sinh là nội dung ôn tập, cấu trúc và định dạng đề thi, quy trình không có sự thay đổi so với các kỳ thi năm trước. Do vậy, thí sinh có thể tham khảo kinh nghiệm từ thầy cô và anh chị đi trước để ôn tập cho phù hợp. 

Thầy Công cũng đưa ra lưu ý cho thí sinh, trong quá trình làm bài thi, các em thường mất điểm do một số nguyên nhân: Nguyên nhân đầu tiên là “làm sai câu dễ”. Nhiều khi các bạn giỏi, đọc lướt đề thiếu một từ ví dụ như “tự thụ” hay “hữu thụ” là đưa ra đáp án sai, do đó thí sinh cần phải đọc kỹ từng từ của đề. Thứ 2 là sửa đáp án, nhiều thí sinh làm xong bài, còn vài phút trước khi hết giờ lại soát lại và sửa câu trả lời trên phiếu, ở giai đoạn cuối bài thi rất căng thẳng và mệt mỏi nên việc sửa câu trả lời lúc này là thiếu sáng suốt… rất nhiều thí sinh đã mất điểm ở việc này và hối hận sau kỳ thi.

 

Cuối cùng, kỳ thi rất quan trọng nên phải chuẩn bị sức khoẻ tốt, ăn thức ăn quen thuộc, ngủ đủ giấc, rèn luyện thói quen dậy sớm để khi đi thi không bị ngái ngủ. Ôn tập và luyện đề ở mức độ cao đến trước ngày thi 2-3 ngày thì giảm bớt cường độ để cơ thể và trí óc hồi sức, chuẩn bị bước vào những ngày thi căng thẳng, sát ngày thi đừng thức khuya, làm quá nhiều đề khó gây áp lực cho ngày thi. 

 

Các em nhớ chuẩn bị một túi trong chứa đủ các vật dụng phục vụ kỳ thi theo quy định, mang đủ số bút cùng màu, chuẩn bị 1-2 máy tính hoặc 1 máy tính đã thay pin mới… và nếu có thể mang 1 vài viên kẹo ngậm sữa béo vỏ trong suốt để ngậm khi làm bài thi, não đang cần rất nhiều năng lượng hãy cho nó đường. Chúc các sĩ tử có sức khoẻ thật tốt, tâm lý vững vàng, kiến thức đầy đủ để bước vào kỳ thi và đạt kết quả tốt nhất theo mục tiêu mà mình đề ra.

 

Môn Lịch sử: Nếu còn phân vân hoặc giải không ra phương án nào thì nên làm câu khác

 

Cô Nguyễn Thị Hải Huế- giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đưa ra những hướng dẫn giúp học sinh ôn tập

Bộ môn Lịch sử là một trong những môn học cần thiết để tham dự kỳ thi THPT với tổ hợp Khoa học xã hội. Khi ôn tập, học sinh cần chú ý bám sát vào ma trận đề thi mà Bộ đã đưa ra. Trọng tâm là phần lịch sử lớp 12, ngoài ra chú ý đọc lại các kiến thức cơ bản của lớp 11.

Không đọc kỹ câu hỏi: Một lỗi phổ biến là không đọc kỹ câu hỏi, dẫn đến hiểu sai yêu cầu. Khi đọc câu hỏi lịch sử các bạn cần chú ý đến các từ khóa quan trọng: Từ hỏi, từ khóa về lĩnh vực câu hỏi, từ khóa về thời gian, từ khóa về không gian. Để không nhầm lẫn, chúng ta có thể gạch chân vào những từ khóa này. Việc nắm vững yêu cầu câu hỏi sẽ giúp tìm ra phương án phù hợp tránh nhầm lẫn. Đặc biệt giúp loại trừ những phương án nhiễu không đúng về lĩnh vực, thời gian, không gian một cách dễ dàng.

 

– Chủ quan ở những câu hỏi dễ, cơ bản: Các câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu trong đề thi chiếm khoảng 70% nhưng đôi khi vì chủ quan nên các con chưa đọc kĩ câu hỏi, đáp án mà trả lời sai, nhầm lẫn đáng tiếc. Khi làm bài thi, học sinh cần tập trung làm đúng, chắc chắn các câu hỏi kiến thức cơ bản trước sau đó còn thời gian ngồi phân tích các câu hỏi vận dụng.

 

 – Lựa chọn các đáp án “quen thuộc”: Đôi khi, các bạn đọc câu hỏi và đáp án không kỹ, khi thấy có một đáp án mà mình cảm thấy “quen thuộc” sẽ tự tin lựa chọn ngay mà chủ quan không đọc kỹ và phân tích.

 

– Phân bố thời gian làm bài thi không hợp lý giữa các câu hỏi. Có 3 lỗi thường gặp về quản lý thời gian: Thứ nhất, làm quá nhanh, nóng vội dẫn đến việc bị nhầm lẫn; thứ 2, làm quá chậm, tỉ mỉ dẫn đến không kịp làm tất cả các câu hỏi; thứ 3, quá tập trung vào các câu hỏi khó, tốn nhiều thời gian mà các câu hỏi cơ bản lại đi quá nhanh dẫn đến sai sót. Các bạn nên luyện đề nhiều hơn để có kỹ năng quản lý thời gian khi làm bài thi 40 câu trắc nghiệm lịch sử trong thời gian 50 phút.

 

Hy vọng với những tư vấn từ các thầy cô tâm huyết sẽ giúp các bạn 2k6 có một tâm lý thật vững chắc, tự tin để có thể hoàn thành bài thi THPT một cách tốt nhất. Chỉ còn một chút nữa thôi, 2k6 hãy cố lên!!! Cánh cổng Đại học mơ ước đang chào đón các bạn.