Phân tích Đàn ghi ta của Lorca Thanh Thảo | Dàn ý, sơ đồ tư duy

0

Đàn ghita của Lorca được ra đời trong một lần nhà thơ Thanh Thảo nói chuyện với những người bạn yêu thơ của mình. Bài thơ nói lên tấm lòng cảm mến, sự trân trọng và lòng xót thương của nhà thơ với người nghệ sĩ đa tài, một hiệp sĩ suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp cách tân nghệ thuật, cho nền dân chủ, tự do của nhân dân, cùng Butbi Phân tích Đàn ghi ta của Lorca trong bài viết dưới đây.

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

Phân tích Đàn ghi ta của Lorca Thanh Thảo | Dàn ý, sơ đồ tư duy
Phân tích Đàn ghi ta của Lorca Thanh Thảo | Dàn ý, sơ đồ tư duy

Tham khảo thêm:

1. Dàn ý chi tiết phân tích Đàn ghita của Lorca

A. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả – nhà thơ Thanh Thảo (những nét chính về tiểu sử cuộc đời, phong cách thơ Thanh Thảo…)

– Giới thiệu khái quát về tác phẩm – bài thơ Đàn ghi ta của Lorca (hoàn cảnh sáng tác, khái quát về nội dung và nghệ thuật….)

B. Thân bài:

*Ý nghĩa của nhan đề bài thơ và lời đề từ.

a) Ý nghĩa nhan đề

Đàn ghi ta là biểu tượng cho tình yêu của người nghệ sĩ đa tài – Lorca đối với đất nước Tây Ban Nha, cho con đường nghệ thuật của ông và cho khát vọng cao cả mà Lorca nguyện phấn đấu suốt đời

b) Ý nghĩa lời đề từ:

– “Hãy chôn tôi với cây đàn” đây như là phần hồn của đất nước Tây Ban Nha → thể hiện tình yêu Tổ quốc nồng nàn.

– “Hãy chôn tôi với cây đàn” còn là hình tượng biểu trưng cho sự nghiệp của Lorca → thể hiện ước nguyện suốt đời theo đuổi sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật, mong muốn xóa bỏ những ảnh hưởng của bản thân để dọn đường cho thế hệ mai sau vươn tới.

*Hình ảnh Lorca, người nghệ sĩ tự do, đơn độc với khát vọng cách tân nghệ thuật (6 câu thơ đầu)

– “Tiếng đàn bọt nước”: hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng, có sự chuyển đổi từ thính giác sang thị giác, tạo sự lạ hóa. Qua đó, thể hiện sáng tạo mong manh, ngắn ngủi, có thể tan vỡ đột ngột nhưng lại sinh sôi bất tận.

– “Áo choàng đỏ gắt”: đây là một hình ảnh thực, tượng trưng cho đấu trường quyết liệt, nơi mà người nghệ sĩ ấy đang phải đương đầu với những thế lực tàn bạo, độc tài, hà khắc.

– Trên con đường đấu tranh cho tự do và cái mới mẻ, người nghệ sĩ luôn phải đi trên hành trình cô đơn, đơn độc, được thể hiện qua những cụm từ: lang thang, yên ngựa mỏi mòn, miền đơn độc, vầng trăng chếnh choáng…

– Câu “li la li la li la”: đây là nghệ thuật láy âm, gợi hợp âm của tiếng đàn.

V đẹp ca Lorca, mt người ngh sĩ tài ba luôn khao khát cách tân, đổi mới ngh thut.

c) Cái chết đầy bi phẫn, oan khuất của Lorca.

– Hai hình ảnh đối lập: “hát nghêu ngao” và “áo choàng bê bết đỏ”, tượng trưng cho sự đối lập giữa một bên là khát vọng tự do của người nghệ sĩ với một bên là những thế lực phát xít tàn bạo.

– Nghệ thuật hoán dụ được sử dụng:

  • Tiếng đàn: tượng trưng cho cuộc đời của Lor-ca.
  • Áo choàng bê bết đỏ: hình ảnh tượng trưng cho cái chết oan khuất của Lor-ca.

– “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”: nét đặc sắc của nghệ thuật nhân hóa.

Hệ thống hình ảnh vừa mang ý nghĩa biểu tượng vừa mang tính tả thực, cùng những hình ảnh ẩn dụ, thể hiện cái chết đầy bi thảm, oan khuất của Lor-ca.

d) Niềm thương xót của tác giả với cái chết của Lorca và những suy tư về cuộc giải thoát.

Niềm thương xót của tác giả với cái chết của Lorca

– “Tiếng đàn”: mang ý nghĩa ẩn dụ cho nghệ thuật của Lorca, tình yêu con người và tình yêu tự do mà ông dành cả đời để theo đuổi.

– “Không ai chôn chất tiếng đàn”: thể hiện sức sống mãnh liệt, sự trường tồn của tiếng đàn.

– Nghệ thật so sánh “tiếng đàn như cỏ mọc hoang”:

  • Thể hiện niềm xót thương cho cái chết của một thiên tài, cho con đường cách tân, đổi mới nghệ thuật còn dang dở.
  • Cái đẹp không bao giờ có thể bị hủy diệt.

– Hình ảnh so sánh, tượng trưng qua:

+ Giọt nước mắt: thể hiện sự cảm thông, nỗi uất hận và sự trân trọng.

+ Vầng trăng: hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp, cho nghệ thuật muôn đời của Lorca

Cấu trúc gián đoạn, thể hiện sự xót thương, trân trọng và niềm tin của tác giả vào sự bất tử, vĩnh hằng của Lorca

Những suy tư về cuộc đời và sự giải thoát của người nghệ sĩ Lorca

– Nghệ thuật đối lập được sử dụng để chỉ sự ngắn ngủi, số phận bé nhỏ mong manh của con người trước cuộc sống vô tận được thể hiện qua hình ảnh: “đường chỉ tay đã đứt – dòng sông rộng vô cùng”.

– Một loạt hành động: “Ném lá bùa vào vào xoáy nước”, “Ném trái tim vào cõi lặng im”… Thể hiện sự giã từ và giải thoát, là một sự lựa chọn.

– Âm thanh “Li a li a li a”: là tiếng ghi ta bất tử dùng cho người nghệ sĩ đã chết, cũng có thể đó là vòng hoa tử đinh hương viếng linh hồn Lorca.

C. Kết bài:

– Khái quát lại toàn bộ giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:

  • Về nội dung: Qua bài thơ, tác giả Thanh Thảo đã thể hiện nỗi đau và sự xúc động sâu sắc trước cái chết bi thảm đầy oan khuất của Lorca – một người nghệ sĩ luôn khao khát tự do, dân chủ và luôn mong muốn cách tân, đổi mới nghệ thuật.
  • Về nghệ thuật: bài thơ được viết theo thể tự do, sử dụng những hình ảnh tượng trưng siêu thực và giàu ý nghĩa biểu tượng,…

– Đưa ra cảm nhận của bản thân về bài thơ.

2. Sơ đồ tư duy phân tích Đàn ghi ta của Lorca

Sơ đồ tư duy phân tích Đàn ghi ta của Lorca
Sơ đồ tư duy phân tích Đàn ghi ta của Lorca

3. Bài văn mẫu phân tích Đàn ghita của Lorca hay nhất được chọn lọc.

Thanh Thảo là một nhà thơ có phong cách sáng tác nghệ thuật độc đáo của nền văn học Việt Nam. Ông là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Với giọng điệu mang đậm cái tôi cá nhân, những sáng tác thơ ca của ông đã thổi một làn gió mới vào thơ ca hiện đại. Trong số các tác phẩm của ông nổi bật hơn cả đó là bài thơ “Đàn ghi – ta của Lorca” được trích trong tập “Khối vuông rubik”. Bài thơ đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. 

Lorca một cái tên rất đỗi quen thuộc với đất nước Tây Ban Nha. Ông là biểu tượng của sự tự do, biểu tượng của sự đấu tranh vì hòa bình dân tộc, vì cuộc sống bình yên cho mọi người, mọi nhà. Lorca đồng thời cũng là một người nghệ sĩ vô cùng tài hoa. Chính vì thế mà ngay cả khi đã ra đi, Lorca vẫn mãi mãi là cái tên mà hàng triệu người dân Tây Ban Nha tôn thờ. 

Thanh Thảo đã mượn lời di nguyện của cố nghệ sĩ Lorca để làm lời đề từ cho bài thơ của mình, đó là: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn“. Di nguyện thiêng liêng, cao quý của một người nghệ sĩ đã sẵn sàng hi sinh bản thân, cuộc đời vì nghệ thuật. Từ đó ngợi ca sự cống hiến, và tính thần anh dũng chiến đấu của Lorca. Đồng thời tạo ra cuộc hội ngộ mang đầy dấu ấn giữa Lorca và hồn thơ Thanh Thảo, khơi nguồn cho cảm xúc của bài thơ này.

Mở đầu bài thơ là những âm tiết ngân vang như một khúc nhạc: 

những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chuếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn

Thể thơ tự do với nhịp điệu thơ nhẹ nhàng, câu thơ ngắn gọn nhưng dàn trải, giàu sức gợi tả. Kết hợp cùng cách diễn đạt không viết hoa chữ cái đầu dòng mới lạ, độc đáo tạo nên dòng cảm xúc liền mạch dường như không có điểm dừng. Để rồi từ đó, tác giả như vẽ lên khung cảnh về đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp trước mắt người đọc. Nơi đây ngân nga những tiếng đàn ghi ta say đắm mê hồn. Nơi diễn ra những trận đấu bò tót rực lửa, khốc liệt. Cũng là nơi có những những thảo nguyên mênh mông, lãng mạn. 

Tuy nhiên, nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác qua câu thơ “tiếng đàn bọt nước” đã tạo lên sự biến ảo khó lường. Phập phồng thổn thức và có thể vỡ tan bất cứ lúc nào. Nó như một dự cảm chẳng lành, ngập tràn bất an về một điều gì đó sắp xảy ra. Và màu áo choàng “đỏ gắt” hiện lên ngay sau tiếng đàn ấy chính là câu trả lời. 

Đấu trường bò tót được nhắc đến phải chăng chính là hình ảnh biểu trưng cho đấu trường chính trị ngột ngạt, căng thẳng và đẫm máu lúc bấy giờ ở Tây Ban Nha. Màu áo choàng “đỏ gắt” đó phải chăng chính là chế độ độc tài của chính quyền thân phát xít đang thiêu đốt tự do dân chủ? Lorca bỗng trở lên, cô độc, lẻ loi trong cuộc chiến sinh tử này.

Tiếng đàn “li-la li-la li-la” đầy trong trẻo bỗng vang lên, mang theo hương thơm dìu dịu của hoa li la tràn ngập sức sống phảng phất trong gió giữa khung cảnh chết chóc, tang thương. Đấu trường dù có khốc liệt đến mấy cũng không thể vùi lấp sự thăng hoa của nghệ thuật. Người nghệ sĩ đang đơn độc bước đi trong hành trình “lang thang về miền đơn độc” cùng với “vầng trăng” và “yên ngựa”. Lorca hiện lên với dáng điệu “chuếnh choáng”, dường như ông đang say, say trong cơn say của sự sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời cũng “mỏi mòn” chống lại tộc ác tày đình của bè lũ Phờ-răng-cô. Nhưng trong cái hành trình ấy, người nghệ sĩ lại phải đối mặt với sự cô đơn, cô độc, lẻ loi không một ai bên cạnh.

“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”

Những hình ảnh thơ giàu sức gợi hình gây ấn tượng mạnh như cứa sâu vào lòng người sự đau đớn, sự xót thương cho người nghệ sĩ vô cùng tài hoa mà bất hạnh. Thanh Thảo đã phải thốt lên trong sững sờ. Cả dân tộc, cả đất nước Tây Ban Nha “bỗng kinh hoàng” sửng sốt khi thấy Lorca bị điệu về bãi bắn. Phát súng man rợ của bọn phát xít đã giết chết Lorca. Hành trình, con đường mà Lorca đang đi vẫn còn dang dở. Sự đối lập giữa niềm tin lạc quan, yêu đời “hát nghêu ngao” với sự thật phũ phàng “áo choàng bê bết đỏ” càng làm nhấn mạnh hình ảnh đầy bi thương, xót xa của Lorca.

Tuy nhiên, đối mặt với cái chết là vậy nhưng Lorca vẫn bình thản và chấp nhận. Hình ảnh “chàng đi như người mộng du”, thể hiện bước đi trong phong thái tự nhiên, bình thản đáng ngưỡng mộ. Tâm hồn và tinh thần của Lorca như đã hòa vào trong cả cuộc tranh đấu. Bước chân mộng du ấy đã hóa thành bước chân của người anh hùng, không sợ hãi cũng chẳng bàng hoàng. 

Bè lũ phát xít, tay sai có thể hủy diệt đi thân xác của người nghệ sĩ nhưng mãi mãi không bao giờ dập tắt được sức mạnh tâm hồn Lorca hòa trong những tiếng Ghita nồng nàn:

“tiếng ghi -ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi -ta lá xanh biết mấy”

Điệp khúc “tiếng ghi ta” lặp đi lặp lại trong các câu thơ dồn dập như đè nén cảm xúc. Hay đó là nỗi bàng hoàng căm phẫn tột cùng. Tiếng ghi ta cũng biến ảo không ngừng, giọt này vỡ đi thì giọt kia lại trào ra. Nó mang trong mình một sức sống mãnh liệt không bao giờ chấm dứt. Nó chuyển từ màu nâu trầm tĩnh đầy suy tư của cây đàn, của đất đai. Sang màu xanh ngắt của  “bầu trời cô gái ấy” rồi lại “tiếng ghita lá xanh biết mấy”. Biến chuyển từ sự thủy chung hóa thân mình sang thiên nhiên cỏ cây ngập tràn sự sống. Những thứ bình dị, giản đơn, thân thuộc, thiên nhiên tươi đẹp, bầu trời tự do… có lẽ đó chính là những thứ mà người dân Tây Ban Nha muốn vươn tới, muốn giành lại. Thế nhưng:

“tiếng ghi -ta tròn
bọt nước vỡ tan
tiếng ghi -ta ròng ròng máu chảy

Hiện thực lại một lần nữa đau lòng, tiếng ghi ta “vỡ tan” ra thành “bọt nước”. Âm thanh “vỡ tan” như cất lên đầy đau đớn. Tiếng ghi ta ấy đã vang lên, vang lên để tố cáo tội ác tày trời của chế độ độc tài phát xít, chứa đựng nỗi căm phẫn, uất hận và bóp nghẹt của những con người đang chịu áp bức, bóc lột. Nhưng, tội ác lại một lần nữa nghiền nát nó. Nghệ thuật tan vỡ nghìn mảnh nhỏ đã tạo thành một dòng máu chảy ròng ròng, đau đớn đến cùng cực, đến tê dại. 

Với ngòi bút tài hoa nghệ thuật của mình, Thanh Thảo đã làm sống dậy cả một khoảng không gian bất tử, tràn đầy sức sống mãnh liệt:

không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng

Không phải là “không ai chôn cất tiếng đàn” mà là không ai có thể chôn cất được tiếng đàn. Bởi lẽ, tiếng đàn ấy chính là sản phẩm tinh thần, là sự kết tinh nghệ thuật của tâm hồn người nghệ sĩ. Nó tràn lan, vang dội khiến người ta đắm say và mê mẩn. Nó mãnh liệt, hoang dại, tràn đầy sức sống như cỏ mọc hoang, không gì có thể ngăn nổi. Đó chính là sự bất tử, bất diệt của nghệ thuật. Dù Lorca đã không còn nhưng âm nhạc mà ông tạo ra, những sản phẩm mà ông để lại vẫn không bao giờ biến mất. Không một ai có thể hủy diệt được nó. Những bài ca tranh đấu của Lorca sẽ mãi mãi ngân vang, vang vọng trong trái tim của mỗi con người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Hình ảnh “Giọt nước mắt vầng trăng” cũng gợi lên những liên tưởng thú vị. Đó phải chăng là vẻ đẹp của nghệ thuật được phản chiếu bởi sự cống hiến và sự hi sinh cao cả, của sự lao động và sáng tạo nghệ thuật chân chính. Người nghệ sĩ phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, mất bao nhiêu thời gian công sức mới có thể mài giũa thành hình viên ngọc thơ ca tỏa sáng lấp lánh. Nó là vẻ đẹp của nghệ thuật cũng là lời ngợi ca tôn vinh vẻ đẹp cuộc đời người nghệ sĩ Lorca lung linh tỏa sáng như viên ngọc quý. Sự tối tăm u ám nơi đáy giếng sâu cũng chẳng thể vùi lấp được ánh sáng bất diệt lung linh tỏa ra từ linh hồn Lorca. 

Hiểu được điều đó, trong khổ thơ khép lại bài thơ, tác giả Thanh Thảo đã gửi gắm những suy tư và chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời và sự giải thoát của Lorca:

đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghita màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Digan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la

Ngay tại thời điểm “đường chỉ tay đã đứt”, cũng là lúc sinh mệnh chấm dứt. Lorca dường như đã cảm nhận, đã lường trước được cái chết. Chàng quyết định rũ bỏ đi mọi vướng bận trên đời để trở về với cõi vĩnh hằng, rũ bỏ mọi đau thương, mất mát để trở về với miền “lặng yên bất chợt”. Dòng sông vô hình kia có lẽ tượng trưng cho dòng chảy của cuộc đời, của số phận, là ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cõi chết. Lorca mang theo bên mình cây đàn ghi ta màu bạc, là màu của sự hư ảo trong cõi vĩnh hằng. Đó chính là sự giải thoát mà Lorca đã lựa chọn. Chàng ra đi, để lại âm thanh “li-la li-la li-la” mãi vang vọng, ngân lên như khúc nhạc tiễn đưa với nỗi tiếc thương vô bờ vô hạn. 

Có thể nói, với lối thơ không viết hoa đầu dòng vô cùng đặc biệt này kết hợp với nhiều biện pháp nghệ thuật độc đáo, linh hoạt, mới mẻ, Thanh Thảo đã mang đến cho bài thơ một mĩ cảm hiện đại vô cùng sáng tạo. Sự hòa quyện hài hòa của yếu tố siêu thực và phong cách thơ Thanh Thảo đã làm lên sự thành công của một bài thơ giàu chất nhạc. Để rồi từ đó xây dựng thành công hình tượng của người nghệ sĩ Lorca tuyệt đẹp. Đó là tượng đài một nghệ sĩ tài hoa nhưng đầy bất hạnh. Cả cuộc đời đã cống hiến hi sinh bản thân vì nghệ thuật và tự do, trở thành người anh hùng trong tim mọi người với chiến thắng vĩ đại nhất. 

“Đàn ghi ta của Lorca” quả là một bài thơ độc đáo và đầy ám ảnh. Qua việc tái hiện lại cuộc đời bi tráng của người nghệ sĩ tài hoa Lorca và những giá trị nghệ thuật được Thanh Thảo gửi gắm, dù cho thời gian trôi đi bao lâu bài thơ vẫn mãi là viên ngọc sáng của nền văn học Việt Nam.

Đây là một tác phẩm được đánh giá là khá khó cảm thụ, mong rằng qua bài phân tích trên đây, Butbi đã phần nào giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc cảm nhận tác phẩm này.