Soạn bài Đất Nước Nguyễn Đình Thi | Ngữ văn 12

0

Để có cái nhìn khái quát hơn về bài thơ, nắm được những nội dung chính, trọng tâm của bài học butbi.hocmai đã giúp các bạn soạn bài Đất nước – Nguyễn Đình Thi trong bài viết dưới đây. Với các gợi ý trả lời các câu hỏi ở phần hướng dẫn học bài trong SGK cụ thể, rõ ràng hi vọng sẽ là tài liệu bổ ích hỗ trợ cho quá trình học tập của các em được tốt hơn. Chúc các em có bước soạn bài thật tốt trước khi lên lớp để thuận tiện hơn trong quá trình tiếp thu bài giảng của thầy cô.

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

Soạn bài Đất Nước Nguyễn Đình Thi | Ngữ văn 12
Soạn bài Đất Nước Nguyễn Đình Thi | Ngữ văn 12

Tham khảo thêm: 

A. Soạn bài Đất Nước Nguyễn Đình Thi Tìm hiểu về tác giả

1. Tiểu sử

– Nguyễn Đình Thi  sinh năm 1924 mất năm 2003, ông được sinh ra tại Thành phố Luông Pha Băng, nước Lào.

– Ông đã hăng hái tham gia kháng chiến và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng.

– Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, bởi ông không chỉ làm thơ mà còn sáng tác nhạc, viết tiểu thuyết, kịch và tiểu luận phê bình. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những tác phẩm đặc sắc đóng góp đáng trân trọng cho nền văn học.

2. Phong cách sáng tác

– Thơ Nguyễn Đình Thi mang phong cách sáng tác nghệ thuật độc đáo: như lời nói thủ thỉ mà dào dạt cảm xúc, vừa tự do phóng khoáng lại vừa hàm súc sâu lắng suy tư, có những tìm tòi mới mẻ theo xu hướng hiện đại về hình ảnh, nhạc điệu,…

– Về văn xuôi, những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đều là sự phản ánh kịp thời về cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Các tác phẩm văn học của ông đều mang tính thời sự về các cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam.

3. Những tác phẩm tiêu biểu

– Về thơ có những tác phẩm tiêu biểu như: 

  • Người chiến sĩ (viết năm 1958); 
  • Bài thơ Hắc Hải (viết năm 1958); 
  • Dòng sông trong xanh (viết năm 1974); 
  • Tia nắng (viết năm 1985); 
  • Đất nước (1948 – 1955); 
  • Nhớ; 
  • Lá đỏ….

– Về tiểu thuyết có: 

  • Thu đông năm nay (viết năm 1954), 
  • Bên bờ sông Lô (viết năm 1957), 
  • Vào lửa (viết năm 1966),
  • Mặt trận trên cao (viết năm 1967)…

– Tác phẩm phê bình văn học: 

+ Tiểu luận Nhận đường.

– Về kịch có: 

  • Con nai đen (viết năm 1961); 
  • Hoa và Ngần (viết năm 1975); 
  • Giấc mơ (viết năm 1983); 
  • Rừng trúc (viết năm 1978); 
  • Người đàn bà hóa đá (viết năm 1980); 
  • Tiếng sóng (viết năm 1980); 
  • Cái bóng trên tường (viết năm 1982); 
  • Trương Chi (viết năm 1983); 
  • Hòn Cuội (1983 – 1986)…

B. Soạn bài Đất Nước Nguyễn Đình Thi tìm hiểu về tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác Đất Nước Nguyễn Đình Thi

Bài thơ Đất nước – Nguyễn Đình Thi đã được tác giả ấp ủ, thai nghén trong thời gian khá dài từ năm 1948 đến 1955, gần như xuyên suốt chiều dài lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp, để đến những ngày nhân dân ta chiến thắng kẻ thù, hòa bình lập lại trên miền Bắc, thì đứa con tinh thần ấy mới được ra đời năm 1955.

– Đất nước là một thi phẩm xuất sắc, tiêu biểu nhất là cho sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Đình Thi lên đến đỉnh cao. Bài thơ này được kết hợp giữa hai bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (năm 1948) và “Đêm mít tinh” (năm 949), chính thức hoàn thành vào năm 1955 và được đưa vào tập “Người chiến sĩ” (năm 1956).

2. Bố cục

Được chia làm 2 phần:

+ Phần 1: từ câu thơ đầu đến “… Những buổi ngày xưa vọng nói về”: Nói về cảm xúc  dạt dào của nhà thơ trước sự thay đổi của mùa thu đất nước.

+ Phần 2: những câu còn lại → Phác họa lại hình ảnh đất nước trong cuộc kháng chiến:bước ra từ trong đau thương, căm hờn đã đứng lên bất khuất, anh hùng.

3. Giá trị nội dung

 – Bài thơ thể hiện nguồn cảm hứng dạt dào về đất nước. Đó là những suy cảm về một đất nước thanh bình, giàu đẹp, hiền hòa; về lịch sử cách mạng của một đất nước đầy đau thương, mất mát.

– Bài thơ thể hiện những cảm xúc chân thực, sâu lắng tinh tế của tác giả về Đất Nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đầy đau thương nhưng cũng rất anh dũng, kiên cường và chiến thắng vẻ vang.

4. Giá trị nghệ thuật

– Thể thơ tự do, các câu thơ dài, ngắn xen kẽ nhau, tạo lên những nhịp điệu biến đổi linh hoạt.

– Câu thơ giàu tính biểu tượng, làm bài thơ trở lên sinh động, có những đoạn hình ảnh tương phản, có sức khái quát cao.

– Nhà thơ chú trọng diễn tả sâu sắc, tinh tế tiếng nói nội tâm của nhân vật trữ tình. Trong đó có sự kết hợp khéo léo giữa cảm xúc và suy tưởng.

C. Soạn bài Đất Nước Nguyễn Đình Thi giải đáp câu hỏi SGK

Câu số 1: Trang 126 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Bài thơ có bố cục gồm 2 phần.

– Phần 1: Từ đầu đến câu thơ “Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Phần này mang nội dung: Thể hiện cảm xúc dạt dào trước sự thay đổi của mùa thu đất nước.

– Phần 2: Những câu còn lại.

Phần này mang nội dung: Phác họa lại hình ảnh đất nước đã kiên cường vươn dậy từ trong máu lửa, đau thương 

Mối quan hệ chặt chẽ giữa các phần:

Giữa các phần có quan hệ bổ sung cho cảm hứng tổng hợp về đất nước trở lên đầy đủ và phong phú hơn.

  • Phần 1 gồm các khổ thơ, ý thơ đã được viết từ trước (1948-1949), nhưng tác giả vẫn cảm thấy chưa đầy đủ, chưa phong phú.
  • Phần 2 là những cảm nhận bổ sung, giàu tính khái quát hơn, cho ta thấy hình ảnh một đất nước Việt Nam không chỉ có cộng đồng, những con đường hay những dòng sông…mà còn là một đất nước đã anh dũng vươn lên từ trong gian khổ chiến tranh: 

“Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Câu số 2: Trang 126 SGK Ngữ văn 12 tập 1

–  Mùa thu hiện lên trong nỗi nhớ nhung da diết của nhà thơ: buổi sáng mùa thu với không khí trong lành mát mẻ, gió thổi nhè nhẹ mang theo mùi hương cốm trong gió, gợi lên cho nhà thơ nhớ về Hà Nội.

– Trong hoài niệm của nhà thơ, hình ảnh Hà Nội hiện lên với cảnh vật thiên nhiên và con người.

  • Cảnh vật thiên nhiên: buổi sớm chớm lạnh, phố dài xao xác hơi may, cùng hương thơm của cốm, … cảnh hiện lên thật đẹp nhưng cũng thật buồn và vắng lặng.
  • Về con người: những người lính ra đi đầu không ngoảnh lại đó là tư thế thể hiện sự ra đi vì lí tưởng cứu nước lớn lao, dứt khoát nhưng vẫn rằng biết sau lưng thềm nắng lá rơi đầy, vẫn có gì đó khiến cho tâm trí của những chiến sĩ bịn rịn bâng khuâng.

Tóm lại: đoạn thơ đã diễn tả thành công hình ảnh của mùa thu Hà Nội, một bức tranh đẹp nhưng phảng phất nỗi buồn.

Câu số 3: Trang 126 SGK Ngữ văn 12 tập 1

– Đoạn thơ từ “Mùa thu nay đã khác rồi” …. “Những buổi ngày xưa vọng nói về” thể hiện những thay đổi về cảnh vật cũng như tâm trạng.

  • Nhân vật “tôi” có sự thay đổi về tâm trạng: từ buồn, bâng khuâng, lưu luyến, sang vui sướng, tự hào.
  • Cảnh vật cũng có sự thay đổi: từ đường phố, thềm nhà sang núi đồi, rừng tre, trời xanh, dòng sông, cánh đồng.
  • Cảm xúc của tác giả hân hoan, vui sướng trước cảnh đất nước rộng lớn:

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha”

Tác giả cảm thấy tự hào về chủ quyền đất nước và truyền thống kiên cường, bất khuất của cha ông.

“Trời xanh đây là của chúng ta

….

Những buổi ngày xưa vọng nói về”

– Cảm xúc vui sướng và tự hào có được sở dĩ là do tình hình đất nước năm 1948: sau khi nhân dân ta giành thắng lợi trong chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947, cả một vùng đất rộng lớn thuộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc hoàn toàn được giải phóng. Điều này đã đem lại cảm hứng tin tưởng, niềm tự hào vui  sướng của các nhà thơ đi theo kháng chiến (đoạn thơ này được viết từ năm 1948 được trích trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa).

 Khi thể hiện niềm tự hào, tác giả đã có những khám phá sâu sắc về những truyền thống tốt đẹp của Đất nước, với Nguyễn Đình Thi nổi bật lên là truyền thống bất khuất.

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về

 Đó là hai đặc tính quý báu của cha ông ta: anh hùng kiên cường bất khuất và giản dị chất phác.

Câu số  4: Trang 126 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Đất nước đầy đau thương

– Nhà thơ nêu lên những tội ác tày trời của giặc bằng những hình ảnh mang tính khái quát cao như đồng quê chảy máu, bát cơm chan đầy nước mắt…

– Với biện pháp nghệ thuật nhân hóa “cánh đồng quê chảy máu” đã lên án tố cáo tội ác của giặc.

– Chúng đã hủy hoại cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của toàn thể dân ta.

Chính tội ác ấy đã làm cho nhân dân ta căm phẫn mà quyết tâm đứng dậy chiến đấu, đánh cho chúng tan hoang, đánh cho chúng không còn đường chạy.

Đất nước kiên cường quật khởi huy hoàng

– Vượt lên những đau thương, mất mát để lao động và chiến đấu, chống lại kẻ thù: “Những đêm dài hành quân nung nấu”

“Xiềng xích chúng bay không khóa được

… lòng dân ta yêu nước thương nhà”.

– Hình ảnh một đất nước kỳ vĩ, chói lọi, kiên cường quật khởi bừng dậy giữa hiện thực rung trời chuyển đất: 

“Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Nghệ thuật đặc sắc nhất trong đoạn thơ đó là: hình ảnh sáng tạo đầy sức gợi hình gợi cảm, thủ pháp nghệ thuật đối lập, sự kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đậm nét.

Câu số 5: Trang 126 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Trả lời: Bài thơ viết theo thể thơ tự do với các đặc điểm đặc trưng: câu thơ dài ngắn xen kẽ, nhịp điệu lúc nhanh, lúc chậm. Kết hợp với việc lựa chọn tinh tế khi sử dụng những hình ảnh có tính khái quát cao phù hợp với việc diễn tả nội dung tư tưởng và mạch cảm xúc dào dạt của tác giả.

Tác dụng:

  • Giúp tác giả phác họa lên một bức tượng đài đẹp đẽ, sống động về hình ảnh của đất nước trong chiến đấu và chiến thắng.
  • Gợi lên cảm nhận rõ ràng về sự chiến thắng vẻ vang của dân tộc: chiến thắng ấy chính là kết quả của bao nhiêu máu, mồ hôi, nước mắt và bao nhiêu anh hùng đã ngã xuống; chiến thắng ấy cũng là kết tinh cao nhất của tình yêu, của tinh thần chiến đấu bất khuất và khát vọng hòa bình sâu thẳm.

Tất cả các tín hiệu nghệ thuật trên đều giúp nhà thơ bày tỏ những cảm xúc và suy tư chân thực và sâu sắc nhất về đất nước.

Mong rằng qua bài viết Soạn bài Đất Nước Nguyễn Đình Thi các bạn có thể nắm rõ hơn về nội dung cũng như nghệ thuật được Nguyễn Đình Thi sử dụng trong bài thơ này, để từ đó có những cảm nhận của riêng mình về tác phẩm.