Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

0

Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương là tài liệu hữu ích, gồm có dàn ý chi tiết kèm theo 1 sơ đồ tư duy và 1 bài văn mẫu phân tích hay nhất. Qua đó giúp các em học sinh lớp 11 hiểu rõ hơn về đoạn trích này. Đồng thời, tích lũy thêm được vốn từ để viết văn ngày một hay hơn.

TOPCLASS11  GIẢI PHÁP HỌC TẬP TOÀN DIỆN DÀNH CHO 2K7

✅ Lộ trình học 4 bước bám sát chương trình GDPT MỚI, chinh phục MỌI BỘ SGK

✅ KIỂM TRA ĐẦU VÀO - XẾP LỚP ĐÚNG TRÌNH ĐỘ của học sinh

✅ CỐ VẤN HỌC TẬP CÁ NHÂN 1:1 xuyên suốt quá trình học tập của học sinh

✅ SIÊU PHÒNG LUYỆN 10.000+ bài tập phân loại đơn vị kiến thức, theo mức độ từ DỄ - KHÓ

Tham khảo thêm:

1. Dàn ý phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

a) Mở bài phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

– Đôi nét về tác giả Trần Tế Xương: một tác giả mang tư tưởng ly tâm Nho giáo, tuy cuộc đời rất ngắn ngủi

– Thương vợ là một trong số những bài thơ hay và cảm động nhất của nhà thơ Tú Xương viết về bà Tú

b) Thân bài phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

* Luận điểm 1: Hình ảnh của bà Tú

Công việc mưu sinh rất vất vả của bà Tú

– Hai câu đề

Hoàn cảnh của bà Tú: mang gánh nặng gia đình và quanh năm lặn lội “mom sông”

  • Thời gian “quanh năm” : làm việc liên tục và không trừ ngày nào, hết năm này qua năm khác
  • Địa điểm “mom sông” : phần đất nhô ra phía lòng sông không hề ổn định.

=> Công việc và hoàn cảnh làm ăn rất vất vả, ngược xuôi, không vững vàng, ổn định.

Lí do:

  • “nuôi” : là chăm sóc hoàn toàn
  • “đủ năm con với một chồng” : một mình bà Tú phải nuôi cả gia đình và không thiếu cũng chẳng dư.

=> Bản thân việc nuôi con là rất bình thường, nhưng ngoài ra người phụ nữ còn nuôi cả chồng => hoàn cảnh éo le trái ngang.

Cách dùng số đếm rất độc đáo “một chồng” bằng cả “năm con”, ông Tú nhận mình cũng là một đứa con đặc biệt. Kết hợp với cách ngắt nhịp 4/3 thể hiện lên nỗi cực nhọc của vợ.

=> Bà Tú là một người đảm đang, chu đáo với chồng con.

– Hai câu thực

Lặn lội thân cò khi quãng vắng: có ý từ trong câu ca dao “Con cò lặn lội bờ sông” nhưng sáng tạo hơn nhiều (cách đảo từ lặn lội lên trên đầu hay thay thế con cò bằng thân cò):

  • “Lặn lội” : Sự lam lũ, cực nhọc, nỗi gian truân và lo lắng
  • Hình ảnh “thân cò” : gợi lên nỗi vất vả, đơn chiếc khi làm ăn -> gợi tả về nỗi đau thân phận và mang tính khái quát
  • “khi quãng vắng” : thời gian, không gian heo hút rợn ngợp, nhưng chứa đầy những nguy hiểm và lo âu

=> Sự vất vả gian truân của bà Tú càng được nhấn mạnh qua nghệ thuật ẩn dụ.

“Eo sèo… buổi đò đông”: gợi cảnh chen lấn, xô đẩy và giành giật ẩn chứa sự bất trắc

  • “Buổi đò đông”: Sự chen lấn, xô đẩy trong hoàn cảnh đông đúc cũng chứa đầy những sự nguy hiểm và lo âu

-> Nghệ thuật đảo ngữ, phép đối, hoán dụ và ẩn dụ, sáng tạo từ hình ảnh dân gian nhấn mạnh sự lao động rất khổ cực của bà Tú.

=> Thực cảnh mưu sinh của bà Tú: Không gian, thời gian rợn ngợp và nguy hiểm đồng thời cũng  thể hiện lòng xót thương da diết của ông Tú.

– Hai câu luận

  • “Một duyên hai nợ” : ý thức được việc lấy chồng chính là duyên nợ nên “âu đành phận”, Tú Xương cũng tự ý thức được mình chính là “nợ” mà bà Tú phải gánh chịu
  • “nắng mưa” : chỉ sự vất vả
  • “năm”, “mười” : số từ phiếm chỉ về số nhiều
  • “dám quản công” : đức hi sinh thầm lặng cao quý vì chồng con, ở bà Tú hội tụ cả sự tần tảo, đảm đang, nhẫn nại.

=> Câu thơ vận dụng sáng tạo thành ngữ, sử dụng từ ngữ phiếm chỉ vừa nói lên sự vất vả gian lao vừa nói lên đức tính chịu thương chịu khó và hết lòng vì chồng vì con của bà Tú.

* Luận điểm 2: Nỗi lòng của Tú Xương

– Hai câu kết

Bất mãn trước hiện thực,tác giả đã vì vợ mà lên tiếng chửi:

  • “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc”: tố cáo hiện thực và xã hội quá bất công với người phụ nữ, quá bó buộc họ để rồi những người phụ nữ phải chịu nhiều cay đắng vất vả.

Tự ý thức:

  • “Có chồng hờ hững”: Tú Xương ý thức sự hờ hững của mình cũng chính là một biểu hiện của thói đời.

Nhận mình có khiếm khuyết, phải ăn bám vợ và để vợ phải nuôi con và chồng.

=> Từ tấm lòng thương vợ đến thái độ đối với xã hội, Tế Xương cũng chửi cả thói đời đen bạc.

c) Kết bài phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

– Khẳng định lại giá trị về nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ.

– Liên hệ, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân về  những người phụ nữ trong xã hội hôm nay.

2. Văn mẫu phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

Bài phân tích bài thơ thương vợ ngắn gọn đạt điểm 9+ để các bạn tham khảo

“Văn học nằm ngoài những quy luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Thơ văn Tú Xương chính là một trường hợp như vậy. Thể xác của ông hơn 100 năm nay đã hòa tan thành một cùng với đất mẹ nhưng sự nghiệp văn chương của con người tài hoa đó chưa bao giờ ngừng sống để làm lay chuyển lòng người, bất chấp tất cả mọi thử thách của thời gian.

Nhắc đến Tú Xương chúng ta không thể không nhắc đến “Thương vợ” bài thơ trữ tình thấp thoáng nụ cười hóm hỉnh và trào phúng bản thân và bày tỏ tấm lòng yêu thương, kính trọng của ông đối với người vợ tần tảo hi sinh suốt một đời vì chồng, vì con và vì gia đình.

Tú Xương lấy vợ từ năm ông 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn. Cuộc đời của Tú Xương là cuộc đời của một người nghệ sĩ nhưng trước hết ông là một nhà tri thức phong kiến thuộc loại nhà Nho “Dài lưng tốn vải” phải sống nương tựa vào người vợ của mình. Mọi chi tiêu ở trong gia đình đều do một tay bà Tú lo liệu. Điều đó đã đi vào trong bài thơ ca của ông “Tiền bạc phó cho con mụ kiếm” hay là “Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ”.

Trong bài “Thương vợ” cũng vẫn là những vấn đề đó cũng được thể hiện sâu sắc qua tám câu thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai câu đề đã mở ra một không gian, thời gian và công việc của bà Tú. Một công việc vất vả và cơ cực và gian nan vô cùng:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng”

Nghề buôn bán theo quan niệm của người xa xưa là con đường đầu tiên để làm giàu “Phi thương bất phú” nhưng công việc của bà Tú thì lại đối lập lại hoàn toàn. Chỗ buôn bán ở đây không phải là ở vùng đất tốt, bằng phẳng mà ở “mom sông”. Theo cách hiểu của nhà thơ Xuân Diệu: “là cái địa điểm cheo leo chênh vênh, chứ không phải ở cái bến ngang sông tấp nập bình thường”.

“Mom sông” đã cụ thể hóa được địa điểm buôn bán của bà Tú ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, đối mặt với bao nhiêu nguy hiểm khi nước xuống thì còn, nước lên thì mất. Thời gian ở đây là “quanh năm” hết ngày này  lại qua tháng khác. Thời gian đằng đẵng và chẳng bao giờ được nghỉ ngơi. Một công việc nhọc nhằn, vất vả mà người vợ đã phải gánh vác để lo cho gia đình.

Trước đây với cái quan niệm “Trọng nam khinh nữ”, “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” những việc lớn như kinh tế gia đình là phải do người đàn ông lo liệu nhưng người gánh vác trách nhiệm đó ở đây là bà Tú – người đàn bà giàu lòng yêu thương và giàu nghị lực có thể “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Đủ ở đây là nuôi cho đủ miếng cơm manh áo. Một người làm mà tới bảy miệng ăn ta thấy trách nhiệm nặng nề được  đặt lên đôi vai người phụ nữ gia đình.

Trong câu thơ này có sử dụng nghệ thuật đối năm con chính là số nhiều nhưng lại được đặt ngang hàng để đối cùng với một chồng là số ít. Đủ cơm ăn áo mặc cho năm con ngang bằng cùng với số tiền bạc để nuôi một chồng. Như ta đã biết là cuộc đời ông Tú ngắn ngủi và đơn giản, 37 năm, dường như gói gọn ở trong ba việc chính: đi học, đi thi và làm thơ. 15 tuổi ông bắt đầu đi thi, 22 năm ròng rã còn lại vẫn đi thi và trải liền tám khóa lều chõng mỗi lần lên kinh dự thi là biết bao nhiêu chi phí, tiền của do một tay của bà Tú trang trải. Khép lại hai câu đề miêu tả về không gian, thời gian và công việc của bà Tú đến hai câu thực đã mở ra một hình ảnh “thân cò”:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo nước mặt buổi đò đông”

Câu thơ gợi cho ta nhớ tới hình ảnh quen thuộc trong ca dao: “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”. Hình ảnh ấy gắn liền cùng với thân phận người phụ nữ Việt Nam tần tảo sớm ngày lo cho gia đình. Bà Tú ở đây chính là thân cò một thân phận, số phận cụ thể gợi về một sự mỏng manh, nhỏ bé trước cuộc đời. nhà thơ đã sử dụng lối viết đảo ngữ “lặn lội thân cò” làm cho hình ảnh ấy càng trở nên cụ thể và sâu sắc hơn.

Chắc hẳn bà Tú cũng không quên được lời dặn của cổ nhân “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua” nhưng vì miếng cơm manh áo của gia đình mà phải liều lĩnh đối mặt với chốn nguy hiểm để rồi phải “eo sèo” nơi “đò đông”. Hai tính từ ở câu đầu và câu cuối đối nhau vừa có tính gợi hình lại gợi cảm.

Dường như tác giả đang rất cảm thông và thương xót cho thân phận của vợ mình mà như nhỏ lệ trước hình ảnh đó. Hai câu thơ có thể được coi là hay nhất ở trong bài cũng như khiến cho người ta rung động nhất khi tái hiện về hình ảnh người vợ ở trong thơ Tú Xương.

Nếu như ở bốn câu thơ đầu nhà thơ giữ vị trí, đóng vai trò là một người chồng đứng ở bên ngoài “khách quan” để quan sát, nhận xét và cảm thông cho bà Tú thì ở bốn câu thơ sau Tú Xương nhập thân vào trong tâm tư và nỗi niềm của người vợ để cất lên tiếng than “chủ quan” và chân thực hơn. Hai câu luận chính là lời than thở mà Tú Xương nói hộ lòng vợ:

“Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công”

Chữ “duyên” theo nghĩa Hán Việt có nghĩa là duyên cớ làm phát sinh một việc gì đó. Duyên theo quan niệm của Phật giáo chính là phần trời định cho con người gặp gỡ, có khả năng yêu nhau và trở thành một cặp vợ chồng, giúp các cặp đôi yêu thương gắn kết ở trong cuộc đời. “Tu trăm năm mới thành bạn đồng hành, tu ngàn năm mới được chung chăn gối” dân gian đã tạo thành một cặp duyên và nợ.

Dưới cái nhìn của Tú Xương duyên thì chỉ có một mà nợ thì có hai, duyên thì ít nợ thì nhiều. Ngẫm cho kỹ bà Tú lấy được ông Tú cũng chính là một cái duyên nhưng với người chồng “hờ hững” ấy thì nợ lại có nhiều hơn. Chính vì điều đó đã khiến cho sự vất vả và cực nhọc của một thân phận đã được nâng lên thành định mệnh của cả một kiếp người. Vì là duyên là nợ nên “âu cũng đành phận”. Âu có nghĩa là cam chịu và đành chấp nhận.

Vì là cam chịu và chấp nhận điều đó cho nên “năm nắng mười mưa dám quản công”. Các số từ theo thứ tư: một, hai, năm, mười đã được sắp xếp theo sự tăng tiến cho thấy khó khăn chồng chất lên khó khăn trên đôi vai của bà Tú. “Âu đành phận” và “dám quản công” đã được đặt ở cuối mỗi câu thơ cho thấy cách ứng xử của người làm vợ luôn nhẫn nhục và chịu đựng tất cả vì chồng con.

Khép lại bài thơ là hai câu kết được nâng lên thành tiếng chửi. Thác ra giọng bà Tú, Tú Xương đã chửi rủa cái bạc bẽo của cha mẹ nhà chồng và sự vô tích sự của bản thân đối với vợ mình.

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không”

Những bà mẹ chồng thời xưa thường là “nỗi kinh hoàng” của những nàng dâu, vì quan niệm phong kiến trong hôn nhân gả bán cho phép người ta “mua” vợ cho con khác nào mua một người làm không công mà đối xử tệ bạc với con dâu. Ta cũng đã từng bắt gặp tiếng chửi ấy nhẹ nhàng mà thâm thúy ở trong ca dao như là: “Tiếng đồn cha mẹ anh hiền/ Cắn cơm không vỡ, cắn tiền vỡ đôi” hay là “Trách cha trách mẹ nhà chàng/ Cầm cân chẳng biết là vàng hay thau”.

Tú Xương không chỉ là một nhà thơ trữ tình mà còn rất nổi tiếng là nhà thơ trào phúng. Thơ của ông không chỉ là tiếng chửi bọn quan lại thời phong kiến dốt nát mà còn là những vần thơ tự trào về bản thân. Trong câu thơ trên nhà thơ đã mượn lời vợ mình để chửi chính bản thân của mình là một người chồng “hờ hững”, vô tích sự không gánh đỡ gì được cho vợ mà ngược lại lại còn làm nặng trĩu thêm cái gánh nợ đời trên đôi vai của bậc hiền phụ.

Nhà thơ coi mình chính là kẻ chẳng ra gì cũng là một cách để ca ngợi và đề cao vợ theo cái cách chưa từng thấy ở trong thơ văn trung đại: “Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó/ Quắc mắt khinh đời cái bộ anh”. Cái đặc sắc ở hai câu kết tuy là tiếng chửi nhưng vẫn mang hàm ý đùa vui, tự cười và tự trách mình nhưng vẫn là để bày tỏ sự cảm thông với vợ.

Tú Xương cùng với Nguyễn Khuyến chính là hai đại diện cuối cùng cho nền văn học trung đại Việt Nam ở cuối thế kỉ XIX, hai nhà thơ rất  tiêu biểu và đặc sắc cho những vần thơ tự trào. Thơ ông với những cách tân mới mẻ về ngôn ngữ được viết theo xu hướng khẩu ngữ hóa, sử dụng những ngôn ngữ đời thường nhưng vẫn đảm bảo âm điệu trữ tình và có sức gợi hình và gợi cảm.

“Thương vợ” là một bài thơ hay có sự kết hợp tài hoa giữa ngôn ngữ dân gian với ngôn ngữ bác học một cách tinh xảo và phong phú khắc họa được chân dung bà Tú và bộ lộ được tâm trạng, tình cảm của Tế Xương dành cho vợ của mình. Cùng với đó là cách ngắt nhịp truyền thống ở trong thơ Đường luật là 4/3 và 2/2/3 càng làm cho bài thơ trở nên mềm mại và uyển chuyển hơn.

Bài thơ “Thương vợ”của Trần Tế Xương đã thể hiện được ân tình sâu nặng và tình cảm chân thành của nhà thơ đối với người vợ của mình. Trước Tế Xương hiếm có thi nhân nào mà có những bài thơ viết về người vợ hay và lắng đọng, sâu sắc như ông. Bài thơ không chỉ cho thấy được một tâm hồn cởi mở, đôn hậu của nhà thơ đối với vợ mà còn chứng tỏ được tài năng, thi bút của một người thi sĩ biết vận dụng và sáng tạo ngôn ngữ dân gian.

Hy vọng bài viết Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương trên đây của Bút Bi sẽ giúp các bạn học tốt hơn trong chương trình ngữ văn lớp 11.