Soạn bài Lễ hội Đền Hùng – trang 97 sách Ngữ văn 10 Cánh Diều tập 1 bao gồm các phần chuẩn bị và trả lời các câu hỏi trong quá trình đọc và sau khi đọc hiểu.
Bài viết tham khảo thêm:
- Soạn bài Tự đánh giá Xử kiện
- Soạn bài Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam
- Soạn bài Lễ hội dân gian đặc sắc của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận
I – Chuẩn bị | Soạn bài Lễ hội Đền Hùng Ngữ văn 10 Cánh diều Tập 1
Tìm hiểu trước các thông tin về Đền Hùng và ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Lời giải chi tiết:
* Đền Hùng:
Đền Hùng là khu di tích lịch sử được xây dựng trên núi Hùng, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Đây là nơi thờ cúng của các vị vua Hùng đã có công dựng nước, là các vị tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam. Đền Hùng nằm ở vị trí thuộc đất Phong Châu – vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm về trước, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 7km hướng về phía Bắc và cách thành phố Hà Nội 90km. Đền Hùng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia. Toàn bộ khu di tích bao gồm 4 đền, 1 chùa và 1 lăng nằm trong khung cảnh thiên nhiên, địa thế cao đầy hùng vĩ, khí thiêng của sơn thủy hội tụ.
* Giỗ tổ Hùng Vương:
Giỗ tổ Hùng Vương là ngày lễ đã được được nhà nước công nhận là một trong những ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam. Đây là ngày lễ có thể thể hiện rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Người dân Việt Nam từ xa xưa đã truyền nhau câu nói: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.”
Theo cuốn “Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng” ghi chép lại, xưa kia, ngày giỗ Tổ được cử hành vào 12/3 âm lịch, con cháu ở xa thường sẽ về làm giỗ trước một ngày. Cho đến thời nhà Nguyễn, vương triều quy định lệ 5 năm sẽ mở hội lớn 1 lần. Ngày hội lớn này sẽ bao gồm sự xuất hiện của quan triều đình, quan hàng tỉnh về làm chủ tế và lựa chọn ngày 10/3 âm lịch là ngày để giỗ Tổ. Theo một số tài liệu còn lưu lại từ xa xưa, ngày giỗ Tổ đã được tổ chức từ rất sớm trong lịch sử, khoảng từ 2000 năm về trước dưới thời Thục Phán – An Dương Vương. Cho đến sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 18/02/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh công nhận Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Kể từ đó, dù là thời chiến hay sau khi hòa bình được lập lại, ngày 10/3 âm lịch năm nào, chính quyền và nhân dân Việt Nam cũng kính cẩn làm lễ dâng hương đầy trang nghiêm để nhớ về công ơn của các vị vua Hùng.
II – Trong khi đọc | Soạn bài Lễ hội Đền Hùng Ngữ văn 10 Cánh Diều
Câu 1 (trang 98, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài: Phần in đậm (sapô) cho em biết được những thông tin gì về lễ hội Đền Hùng?
Lời giải chi tiết:
Phần in đậm (sa-pô) đã cung cấp thêm các thông tin về thời gian, địa điểm của lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào năm 2019.
Câu 2 (trang 98, SGK Ngữ Văn 10, tập một)
Đề bài: Hình ảnh này mang ý nghĩa gì?
Lời giải chi tiết:
Hình ảnh này mang ý nghĩa thu hút thêm sự chú ý của người đọc, giới thiệu về những tiết mục đặc sắc, hấp dẫn sẽ được tổ chức trong lễ khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương.
Câu 3 (trang 98, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài: Nội dung chính của lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương là gì?
Lời giải chi tiết:
Nội dung chính của lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương chính là nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của vùng Đất Tổ Phú Thọ, đồng thời, ca ngợi và tôn vinh công đức của các vua Hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là dịp để người dân có thể giới thiệu và quảng bá di sản văn hóa của vùng Đất Tổ thiêng liêng.
Câu 4 (trang 98, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài: Chú ý về thái độ của người viết
Lời giải chi tiết:
Tác giả khi viết luôn giữ được một thái độ khách quan, nghiêm túc.
Câu 5 (trang 99, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài: Các con số 12.4, 13.4, 14.4 cho em biết thêm thông tin gì?
Lời giải chi tiết:
Các con số 12.4, 13.4, 14.4 đã cho em biết thêm thông tin về thời gian, giai đoạn và tiến trình của lễ hội Đền Hùng.
Câu 6 (trang 99, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài: Văn hoá lễ hội được thể hiện qua lễ hội “5 không” như thế nào?
Lời giải chi tiết:
Không để xảy ra vấn đề ùn tắc giao thông: gia tăng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông
Không trục lợi trong kinh doanh: không để tình trạng trục lợi trong kinh doanh xảy ra để có thể vừa lưu lại hình ảnh đẹp với du khách vừa thể hiện tinh thần hiếu khách của dân tộc ta đồng thời cũng thu hút ngày một nhiều du khách thập phương hơn mỗi dịp có lễ hội.
Không có người ăn xin, nhờ đó có thể lưu lại hình ảnh đẹp, tránh để xảy ra những trường hợp người dân giả dạng, cải trang thành những người khó khăn để chuộc lợi.
Không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm: đây là điều cần lưu ý bởi vì, ẩm thực là một khía cạnh không thể thiếu mỗi khi đánh giá hay nhận xét về bất cứ một đất nước nào. Ẩm thực sẽ là cầu nối hữu hiệu có thể kết nối những con người với các nền văn hóa khác nhau hiệu quả hơn. Do đó, ban tổ chức nên đảm vấn đề bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mùa lễ hội là một việc làm vô cùng cần thiết.
Không để xảy ra những hành vi phản cảm: đây chính là điều ban tổ chức khó có thể kiểm soát nhất đồng thời cũng là khía cạnh hay được sử dụng để đánh giá nền văn hóa của một dân tộc nhất. Để có thể lưu lại ấn tượng đẹp với du khách đồng thời tôn trọng những nét văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình, mỗi cá nhân cần phải tự kiềm chế và ý thức, tránh gây ra những hành vi phản cảm là vô cùng cần thiết.
Câu 7 (trang 99, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài: Sơ đồ hướng dẫn di chuyển tại lễ hội Đền hùng cung cấp những thông tin gì?
Lời giải chi tiết:
Sơ đồ đã cung cấp thêm thông tin cho du khách biết địa điểm, đường đi, vị trí có thể đến và hướng di chuyển.
III. Trả lời câu hỏi cuối bài | Soạn bài Lễ hội Đền Hùng Ngữ văn 10 Cánh Diều
Câu 1 (trang 100, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài: Em hãy quan sát cả hai bản tin (a và b), từ đó, nêu nhận xét những điểm giống và khác nhau về nội dung và hình thức trình bày của hai bản tin này.
Lời giải chi tiết:
– Về phần nội dung:
+ Điểm giống: cả 2 bản tin đều đề cập đến lễ hội đền Hùng năm 2019.
+ Điểm khác: Bản tin A đã đưa ra những thông tin chi tiết về buổi lễ khai mạc giỗ tổ Hùng Vương còn bản tin B lại đề cập đến những lưu ý khi tham gia lễ hội đền Hùng năm 2019.
– Về phần hình thức:
+ Giống nhau: Cả 2 văn bản đều được trình bày dưới dạng bản tin.
+ Khác nhau: Bản tin A được tác giả trình bày theo kiểu các đoạn văn xuôi bao gồm phần sa pô, chia nội dung thành các đoạn chi tiết rõ ràng còn bản tin B được tác giả trình bày dưới dạng thông tin infographic, được tóm tắt trên một bản đồ họa thông tin.
Câu 2 (trang 100, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài: Nội dung chính của mỗi bản tin A và B là gì?
Lời giải chi tiết:
Bản tin A đã đưa ra những thông tin chi tiết liên quan đến buổi khai mạc của lễ hội giỗ tổ Hùng Vương 2019.
Bản tin B được sử dụng với mục tiêu đưa ra những điều cần chú ý trong suốt quá trình tham gia lễ hội Đền Hùng 2019.
Câu 3 (trang 100, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài: Hãy nêu ra các tác dụng của phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ (bao gồm hình ảnh và sơ đồ) trong việc thể hiện và cung cấp các thông tin chính của hai văn bản.
Lời giải chi tiết:
Bên cạnh phương tiện ngôn ngữ, văn bản trên còn được sử dụng kết hợp với các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ như: tranh ảnh, hình vẽ, sơ đồ, biển báo, màu sắc, kĩ thuật in ấn…
→Tác dụng của việc sử dụng các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ:
+ Giúp người đọc có thể tìm kiếm thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn
+ Giúp người đọc có thể dễ dàng xác định được vị trí và mối quan hệ của các thông tin được đưa ra trong phần nội dung văn bản.
Câu 4 (trang 100, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài: Quan điểm và thái độ của người đưa tin đã được thể hiện như thế nào ở trong hai văn bản trên? Chi tiết nào đã giúp em có thể nhận ra điều đó?
Lời giải chi tiết:
– Bản tin A: đã cho ta thấy được sự hiểu biết của người viết. Điều này đã được thể hiện qua các chi tiết khi tác giả đưa ra những thông tin có trong lễ khai mạc về giỗ Tổ Hùng Vương như thời gian, địa điểm, những sự kiện chính trong lễ hội.
– Bản tin B: cho ta thấy rõ được những quan điểm, thái độ sống tích cực, tiến bộ, có văn hóa của người viết. Chi tiết thể hiện được thái độ sống đó là: Tác giả đã đưa vào bài viết văn hóa lễ hội Đền Hùng – “lễ hội 5 không”: không chỉ nhằm giới thiệu mà còn góp phần tuyên truyền đến những người sẽ tham dự lễ hội những lưu ý khi tham gia lễ hội.
Câu 5 (trang 100, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài: Theo em, những ưu điểm và hạn chế của mỗi dạng bản tin trên là gì? Giải thích
Lời giải chi tiết:
– Ưu điểm: Các văn bản dưới dạng bản tin thường có cấu trúc khá ngắn gọn, song, vẫn có thể cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho người đọc, kết hợp các phi ngôn ngữ được sử dụng trong 2 bản tin.
– Hạn chế:
+ Bản tin A: được sử dụng với ít phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ như hình ảnh,…
+ Bản tin B: vì là bản tin được thiết kế dưới hình thức ảnh nên những thông tin trong bản tin được người viết chắt lọc, trình bày dưới dạng vắn tắt. Các thông tin chủ yếu được thể hiện qua hình ảnh nên đôi khi có thể sẽ gây khó hiểu dành cho người đọc
Câu 6 (trang 101, SGK Ngữ Văn 10 Cánh Diều, tập một)
Đề bài:
Hãy thiết kế một infographic (Đồ họa thông tin) giới thiệu về một lễ hội ở địa phương em đang sinh sống.
Trên đây là bài hướng dẫn chi tiết Soạn bài Lễ hội Đền Hùng trong chương trình Ngữ văn 10 tập 1 Cánh diều. Các bạn hãy tham khảo thật kỹ và chuẩn bị bài soạn sắp tới thật tốt nhé!