Thầy Nguyễn Thanh Tùng: “Chính các em đã giúp tôi tìm được chính mình”

0

Nếu hỏi, ấn tượng đầu tiên của bạn về thầy Nguyễn Thanh Tùng là gì, tôi chắc chắn câu trả lời của tất cả các bạn sẽ là: “Không thể tin được, thầy trẻ quá!”

Đúng thật, tôi cũng đã ngạc nhiên khi nghe thầy nói về tuổi của mình. Khuôn mặt trẻ thơ, nụ cười hiền pha chút ngô ngố và ánh mắt sáng đã đánh lừa được tôi. Sự trẻ trung cuốn hút lạ thường ấy càng làm cho tôi không thể tin được cuộc đời thầy đã từng đi những con đường chông gai để đến với nghiệp làm thầy.

Quyết định thử thách và bước ngoặt cuộc đời

thay-nguyen-thanh-tung-chinh-cac-em-da-giup-toi-tim-duoc-chinh-minh

Thầy vốn là người kín tiếng và cũng không dễ dàng mở lòng để kể câu chuyện về cuộc đời mình. Chỉ cho đến khi tôi gặng hỏi mãi và nói về nhiệm vụ khó khăn của tôi khi phải viết chân dung về thầy thì thầy mới chia sẻ ít nhiều.

Vốn tôi chỉ biết thầy đã từng tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, khoa Công nghệ thông tin nhưng đó chỉ là phần sau của câu chuyện. Trước khi học ĐH Bách Khoa, thầy đã từng tốt nghiệp một trường khác nhưng khi ra trường, công việc của thầy không như mong đợi. “Với số tiền lương ít ỏi, bản thân thầy cũng thấy thất vọng,” thầy nói.

Nhìn xung quanh, bạn bè đã ổn định, trong khi gia đình mình còn gặp nhiều khó khăn, lại thêm thất vọng với công việc, thầy đã quyết định học lại từ đầu. “Đây là lúc thầy bị khủng hoảng và bế tắc thực sự. Chờ đợi? Tìm một công việc mới? Sẽ làm lại từ đầu hay một hướng đi khác? Và bản thân thầy hiểu rằng đây sẽ là quyết định quan trọng cho tương lai của mình sau này”, thầy chia sẻ.

thay-nguyen-thanh-tung-chinh-cac-em-da-giup-toi-tim-duoc-chinh-minh

Thế rồi sau những lần đấu tranh tư tưởng, thầy quyết định học làm lại từ đầu và Đại học Bách Khoa là ngôi trường thầy chọn. Khi được hỏi, tại sao thầy lại chọn Bách khoa mà không phải trường khác? Thầy trả lời: “Thầy nghĩ đơn giản đây là ngôi trường đã có thương hiệu, thầy bị ấn tượng bởi những thế hệ sinh viên xuất sắc và cộng thêm nó là ngôi trường mà em thầy lúc đó cũng đang học, vậy là thầy chọn.”

Ba tháng để ôn thi và là năm đầu tiên thi với hình thức trắc nghiệm các môn Lí, Hóa, Sinh, Anh, thầy đã rất nỗ lực và may mắn là đã vượt qua được kì thi một cách suôn sẻ. “Thời điểm đó có hai ngành khá ‘hot’ là Công Nghệ Thông Tin (IT), Điện Tử Viễn Thông. Thầy nghĩ học một trong hai ngành này sẽ dễ xin việc và lương cũng khá hấp dẫn, lý do có phần thực dụng nhưng đó là cách mà thầy đã chọn ở thời điểm đó, vì bản thân không muốn bước vào ‘vết xe đổ’ đã từng đi”, thầy kể lại.

Tôi có thể khẳng định, quyết định vào Đại học Bách khoa chính là bước ngoặt của cuộc đời thầy, bởinhờ quyết định đó, sau cùng, đã khiến cho chàng kỹ sư Công nghệ thông tin tương lai (của ngày ấy) lại bỏ đi chính cái lý “thực dụng” của mình để trở thành một người thầy mà chính chàng trai đó cũng chẳng hề ngờ tới.

“Các em đã giúp tôi tìm được chính mình”

Việc trở thành người thầy đến với thầy thật tự nhiên và thật tình cờ. “Có lẽ đến với nghề giáo là một cái ‘duyên’, nó là một chuỗi những sự kiện, những ‘biến cố’ mà bản thân sẽ trải qua ta mới bắt gặp được”, thầy cười.

Nếu không học Đại học Bách khoa thì chàng trai ngày ấy thì sẽ chẳng có những buổi đi gia sư để trang trải cho việc học hành và không cảm nhận được niềm vui từ việc dạy học. Sự đón nhận của các bạn học sinh lại chính là động lực và cũng là nguồn động viên lớn nhất khiến chàng trai ấy lại rẽ ngang một lần nữa.

“Khi đã có quyết định rẽ ngang sang việc dạy học và coi đó là quyết định, bước đi tiếp theo thì bản thân không cho phép mình được dừng lại. Đi tiếp và không được bỏ cuộc là điều phải làm lúc này”, thầy nói.

thay-nguyen-thanh-tung-chinh-cac-em-da-giup-toi-tim-duoc-chinh-minh

Những khoảnh khắc thân thiết giữa thầy và trò

Thầy chia sẻ với tôi biết bao nhiêu trăn trở khi quyết định theo con đường dạy học. Dù đã đi dạy được gần 10 năm, thầy vẫn luôn tâm niệm: là người “ngoại đạo”, bản thân cần phải cố gắng nhiều hơn. Mỗi ngày, thầy đều tự tìm tòi mọi phương pháp để học sinh thích thú với việc học? Ngoài việc nắm chắc kiến thức, thầy luôn trau dồi thêm các phương pháp dạy mới, cách tiếp cận mới và quan trọng là truyền được cảm hứng cho học sinh.

Nhờ sự kiên định, quyết tâm theo đuổi mục tiêu và nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi không ngạc nhiên khi thầy đang nhận được những “trái ngọt” do chính tay mình “gieo hạt”. Không phải tự  nhiên phụ huynh giới thiệu cho nhau, học sinh truyền tai nhau mà các lớp học của thầy cứ đông dần lên.

thay-nguyen-thanh-tung-chinh-cac-em-da-giup-toi-tim-duoc-chinh-minh

“Sau mỗi kỳ thi nhận được tin vui từ các bạn, thấy cái nghiệp dạy học này cũng nhiều ý nghĩa. Đó cũng là lý do thầy ngày càng gắn bó và yêu công việc này hơn”, thầy chia sẻ.

Bước sang năm thứ 10 tuổi nghề, thầy đã có hơn 10.000 học sinh trên khắp cả nước tham gia khóa học online và gần 1000 học sinh offline. Nhắc đến những cô cậu học trò nhỏ của mình, tôi thấy ánh mắt thầy ngập tràn hạnh phúc.

“Nghiệp làm thầy với bao kỷ niệm đã qua, vui có, buồn có, cả những điều bất ngờ và những phút giây hạnh phúc. Cảm ơn các em, chính các em đã giúp tôi tìm được đam mê của mình” – thầy Nguyễn Thanh Tùng.