Soạn bài người lái đò sông đà Nguyễn Tuân | Ngữ văn 12

0

Soạn bài Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân đầy đủ, chi tiết nhất: Để cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp đa dạng của con sông Đà vừa hung bạo, dữ dằn vừa trữ tình cùng hình ảnh giản dị mà kì vĩ của những người lái đò trên dòng sông ấy mời các bạn tham khảo bài soạn bài Người lái đò sông Đà mà Butbi chi sẻ dưới đây. Chúc các em có bước chuẩn bị bài thật tốt để thuận tiện và dễ dàng hơn trong việc tiếp thu bài giảng tại lớp.

Soạn bài người lái đò sông đà Nguyễn Tuân | Ngữ văn 12
Soạn bài người lái đò sông đà Nguyễn Tuân | Ngữ văn 12

Tham khảo thêm:

A. Soạn bài Người lái đò sông Đà phần Tác Giả

 – Nguyễn Tuân sinh năm 1910 mất năm 1987, quê ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho trong thời điểm Hán học đã tàn.

– Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Tuân đã đi theo gia đình sinh sống ở nhiều tỉnh thuộc miền Trung.

– Ông học đến cuối bậc Thành chung (nghĩa là tương đương với cấp THCS hiện nay) ở Nam Định. Sau khi học xong ông trở về Hà Nội viết văn, làm báo.

– Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 diễn ra thành công, Nguyễn Tuân đến với cách mạng, dùng chính ngòi bút của mình để phục vụ hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

– Từ 1948 đến 1958, ông đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam.

– Ông là một nhà văn lớn nổi tiếng, một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm tòi, khám phá cái đẹp.

– Nguyễn Tuân có những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại đó là ông đã thúc đẩy thể tùy bút, bút kí đạt tới trình độ nghệ thuật cao, góp phần làm đa dạng, phong phú cho ngôn ngữ văn học của dân tộc.

– Năm 1996, Nguyễn Tuân vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

– Một số tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân: 

  • Một chuyến đi ( viết năm 1938), 
  • Vang bóng một thời (viết năm 1940), 
  • Thiếu quê hương (viết năm 1940), 
  • Chiếc lư đồng mắt cua (viết năm 1941), 
  • Đường vui (viết năm 1949), 
  • Tình chiến dịch (viết năm 1950), 
  • Sông Đà (viết năm 1960), 
  • Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (viết năm 1972)…

B. Soạn bài Người lái đò sông Đà phần tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác bài Người lái đò sông Đà

– “Người lái đò sông Đà” là kết quả của chuyến đi đầy gian khổ và hào hứng, phấn khởi tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. Chuyến đi này vừa để thỏa mãn thú phiêu lãng vừa để tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên và cái “chất vàng mười đã qua thử lửa” trong tâm hồn của những con người lao động đã chiến đấu quật cường trên miền sông núi hùng vĩ và thơ mộng đó.

– Tùy bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập “Sông Đà” (năm 1960).

2. Bố cục bài Người lái đò sông Đà

Gồm 3 phần như sau:

  • Phần 1. Từ đầu tới “cái gậy đánh phèn”: Phác họa lại vẻ hung hăng, dữ tợn của con sông Đà.
  • Phần 2. Tiếp đến “dòng nước sông Đà”: Tái hiện lại cuộc sống của con người và hình ảnh giản dị mà kì vĩ của người lái đò sông Đà
  • Phần 3. Phần còn lại : Vẻ đẹp lên thơ, trữ tình đầy thơ mộng của sông Đà.

3. Ý nghĩa nhan đề Người lái đò sông Đà

Nhan đề “Người lái đò sông Đà” trước hết cho người đọc biết về nhân vật trung tâm của tác phẩm đó chính là ông lái đò – một người lao động làm công việc lái đò tại vùng sông nước Tây Bắc. Ông lái đò ấy vừa có những vẻ đẹp bình dị, đời thường của một người lao động bình thường, lại vừa mang những phẩm chất của một người nghệ sĩ tài hoa. Đồng thời, nhan đề ấy cũng nhấn mạnh đến một hình tượng khác không kém phần quan trọng của tác phẩm đó chính là con sông Đà. Con sông Đà hiện lên với vẻ đẹp thiên nhiên đầy hùng vĩ nhưng cũng rất thơ mộng. Qua nhan đề trên, Nguyễn Tuân như muốn khẳng định vẻ đẹp bình dị của con người lao động ở vùng núi Tây Bắc trong công cuộc chinh phục thiên nhiên gian khổ để kiến thiết dựng xây quê hương đất nước.

4. Ý nghĩa lời đề từ của bài

Trước hết, ta phải hiểu lời đề từ là những câu văn hoặc câu thơ ngắn gọn, cô đọng, súc tích dẫn ra ở đầu các tác phẩm hoặc chương sách để thể hiện chủ đề tư tưởng của toàn tác phẩm hoặc của cả chương sách đó.

Trong “Người lái đò sông Đà”, nhà văn Nguyễn Tuân đã sử dụng hai lời để từ:

Lời đề từ thứ nhất:

“Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”

(trích lời thơ của Nhà thơ Ba Lan – W. Broniewski)

Lời đề từ thứ hai:

“Chúng thuỷ giai đông tẩu
Đà giang độc bắc lưu”

(trích lời thơ của Nguyễn Quang Bích)

Dịch nghĩa:

“Mọi dòng sông đều chảy về hướng đông
Chỉ có sông Đà là chảy về hướng bắc”

Hai lời đề từ trong tác phẩm đều không phải do Nguyễn Tuân sáng tác mà do nhà văn đã mượn các câu thơ nổi tiếng của nhà cách mạng người Ba Lan và của nhà thơ Nguyễn Quang Bích.

Ý nghĩa lời đề từ đó: 

– Với lời đề từ thứ nhất:Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”. Câu thơ đã thể hiện cảm xúc dâng trào mạnh mẽ, mãnh liệt của tác giả trước vẻ đẹp của tiếng hát trên dòng sông. Tiếng hát trên dòng sông ở đã đây gợi ra những liên tưởng thú vị cho người đọc. Đó có thể là tiếng hát lao động của người dân vùng núi Tây Bắc khi đang làm việc. Cũng có thể đó là tiếng hát đầy say mê của đời, của nhà văn khi ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc. Dù được hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì lời đề từ trên cũng đã bộc lộ được nguồn cảm hứng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm đó chínhlà tình yêu thiết tha của nhà văn dành cho thiên nhiên và con người Tây Bắc.

– Lời đề từ thứ hai nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm khác biệt của con sông Đà về địa lí tự nhiên. Tất cả những dòng sông trên đất nước Việt Nam đều chảy theo hướng đông, riêng chỉ có con sông Đà là chảy theo hướng bắc. Qua đó, Nguyễn Tuân muốn cho người đọc thấy điều mà chúng ta chưa biết về sông Đà. Đó là một con sông vừa hung bạo, dữ dằn nhưng cũng rất đỗi thơ mộng, trữ tình. Câu thơ không chỉ bộc lộ được nét độc đáo, táo bạo của con sông Đà mà còn khắc họa được nét tính cách đặc trưng của Nguyễn Tuân đó là “ngông” – một con người dành cả đời để đi tìm tòi và khám phá cái đẹp cái lạ.

Như vậy, hai lời đề từ ấy, một hướng đến vẻ đẹp bình dị của con người lao động, một hướng đến vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc (cụ thể là sông Đà) đã khái quát được toàn bộ nội dung tư tưởng mà Nguyễn Tuân muốn gửi gắm trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà”.

5. Giá trị nội dung của bài Người lái đò sông Đà

  • Vẻ đẹp đa sắc màu của con sông Đà hiện lên trong từng trang viết. Đó là vẻ đẹp của một con sông Đà hung bạo, dữ dằn, hùng vĩ, hoang dại hiện lên bởi những thành vách, hút nước, trùng vây thạch trận. Đó còn là vẻ đẹp của một con sông rất đỗi trữ tình, thơ mộng. Hai vẻ đẹp ấy tưởng chừng như đối lập nhưng chúng lại tụ hội trong một con sông của quê hương vùng núi Tây Bắc. Sự hài hòa trong cảnh vật thiên nhiên nơi đây đã tạo lên vẻ đẹp riêng của chính núi rừng và vùng đất Tây Bắc – nơi được coi là địa đầu của Tổ quốc
  • Ẩn sau vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và thơ mộng đó là hình tượng của người lái đò sông Đà. Khi thiên nhiên đã được nâng lên đến mức cao ngút trời mây như thách thức con người thì ông lái đò nhỏ bé kia chính là người chinh phục cái thiên nhiên thần thánh ấy. Ông lái đò hiện lên với hình ảnh là một người anh hùng quật cường trên sông nước với kinh nghiệm dày dặn, với tay lái ra hoa và đặc biệt ông lái đò còn là một con người rất đỗi đời thường, vô danh. Khác hẳn với những nhân vật trước cách mạng xuất hiện trong văn chương của Nguyễn Tuân, ông lái đò vẫn xuất hiện với tư cách là một con người tài ba nhưng không còn là con người của quá khứ, đối lập với thực tại nữa mà ở đây nhân vật ông lái đò ấy là con người của hiện tại, đấu tranh với thiên nhiên núi rừng hùng vĩ để sinh tồn.
  • Qua đó, ta cũng thấy được tình yêu lớn lao, sự say đắm của Nguyễn Tuân trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động ở miền Tây Bắc xa xôi.

6. Giá trị nghệ thuật của bài

  • Ngôn ngữ sống động, được tổng hợp từ nhiều vốn tri thức, vốn văn hóa về các lĩnh vực khác nhau trong đời sống, từ hội họa, điện ảnh đến quân sự.
  • Nghệ thuật viết tùy bút bậc thầy của Nguyễn Tuân đã khiến con sông đã hung bạo, độc hiểm, dữ dội cũng phải hiện hình rõ nét trên trang giấy của nhà văn.

C. Hướng dẫn Giải các câu hỏi trong SGK

Câu số 1 (trang 192 SGK ngữ văn 12 tập 1):

Trước hết, tùy bút “Người lái đò sông Đà” là thành quả của chuyến đi tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. Chuyến đi ấy vừa thỏa mãn thú phiêu lãng vừa là để tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc và cái “chất vàng mười đã qua thử lửa” ở trong tâm hồn của những con người lao động đã và đang chiến đấu trên miền sông núi hùng vĩ và thơ mộng đó.

– Nguyễn Tuân đã tái hiện lại hình ảnh con sông hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ và trữ tình, người lái đò vừa tài hoa lại vừa bình dị. Dù là con sông hay người lái đò, Nguyễn Tuân đều khắc họa lên một cách thật sinh động, tỉ mỉ dưới nhiều góc độ khác nhau.

=> Nguyễn Tuân đã quan sát kĩ càng, công phu và tìm hiểu chi tiết khi viết về sông Đà và người lái đò sông Đà.

Câu số 2 (trang 192 SGK ngữ văn 12 tập 1):

Để khắc họa hình tượng sông Đà hung bạo, dữ dằn, tác giả đã sử dụng các biện pháp nhân hóa, so sánh:

  • Bờ sông, dựng vách thành… chẹt lòng sông Đà như một yết hầu, lòng sông như có chỗ nằm gọn giữa hai bờ vách như con hang động huyền bí.”
  • “Khung cảnh mênh mông ..…như lúc nào cũng đòi nợ xuýt”.
  • “Những cái hút nước …. mọi vật xuống đáy sâu”.

– Biện pháp nhân hóa sử dụng miêu tả âm thanh:

♦ “Tiếng nước réo nghe như oán trách, lúc như van xin, khiêu khích, giọng gằn như chế nhạo”.

⇒ Biện pháp tu từ đã khiến cho dòng sông Đà trở nên nổi bật hơn với sức mạnh hoang dại, dữ tợn, táo bạo, hùng vĩ trước góc miêu tả tinh tế của tác giả.

Câu số 3 (trang 192 SGK ngữ văn 12 tập 1):

Khi chuyển sang miêu tả con sông Đà như một dòng chảy trữ tình, nhà văn viết một cách uyển chuyển, tinh tế hơn. Nguyễn Tuân đã khắc họa con sông trữ tình, thơ mộng dưới nhiều điểm nhìn khác nhau:

– Con sông Đà “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi mèo đốt nương xuân”.

– Nó không chỉ đẹp ở dáng hình mà còn đẹp ở cả màu nước: “mùa xuân dòng xanh ngọc bích, thu sang nước sông chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa”.

– Bờ bãi sông Đà thì mênh mang, rộng lớn, trải dài “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm sông Đà”. Cách so sánh vô cùng gợi cảm khi miêu tả bờ sông: “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử” hay  “bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.

Câu số 4 (trang 192 SGK ngữ văn 12 tập 1):

Hình tượng người lái đò bước vào cuộc chiến vượt thác giống như vị chỉ huy bước vào trận đánh đầy cam go. Phải đặt vào trong môi trường chiến trận đầy nguy hiểm mới có thể bộc lộ hết phẩm chất của người lái đò:

– Ở Trùng vây thứ nhất thì: “Ông cố nén vết thương, kẹp chặt cuống lái, tiếng chỉ huy vẫn ngắn gọn tỉnh táo”.

– Ở  trùng vây thứ hai thì: “Ông đò thay đổi chiến thuật, cưỡi lên thác sông Đà … sấn lên chặt đôi ra để mở đường vào cửa sinh”.

– Ở trùng vây thứ ba: “Ông đò phóng thẳng thuyền, chọc thủng…. lượn được”.

Qua đó ta mới thấy ông lái đò chính là cái “chất vàng mười đã qua thử lửa” của vùng cao Tây Bắc.

Câu số 5 (trang 193 SGK ngữ văn 12 tập 1):

– “Dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như đòi nợ suýt”: Hình ảnh con sông Đà cuồng nộ, hung dữ như lúc nào cũng muốn nuốt chửng, tiêu diệt con người.

– Hình ảnh “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc” “chỗ giếng nước sâu ặc ặc lên …. xuống rồi đánh chúng tan xác”: Lối so sánh độc đáo này đã khiến con sông Đà không khác gì loài thủy quái với những tiếng kêu ghê rợn đáng sợ như muốn khủng bố tinh thần và uy hiếp con người.

– Câu “Nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng ….. với đàn trâu da cháy bùng bùng”: Sự liên tưởng vô cùng sáng tạo, phong phú, âm thanh của thác nước được Nguyễn Tuân miêu tả không khác gì âm thanh của một trận động đất hay nạn núi lửa thời tiền sử. Lấy lửa để tả nước và lấy rừng để tả sông.

– Dòng sông Đà: “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi mèo đốt nương xuân”: Con sông ấy giống như một người thiếu nữ dịu dàng, xinh đẹp.

– Đoạn miêu tả: “Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm sông Đà”: Một cách so sánh vô cùng gợi cảm khi miêu tả bờ sông “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử” và còn “bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.

D. Giải đáp câu hỏi phần Luyện tập

Bài số 1 (trang 193 SGK ngữ văn 12 tập 1):

Phân tích ảnh vượt thác của người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà:

*Mở bài

– Giới thiệu sơ qua về tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm Người lái đò sông Đà: 

  • “Người lái đò sông Đà” là một trong những tùy bút đặc sắc nhất của nền văn học Việt Nam nói chung và của Nguyễn Tuân nói riêng. Bài tuỳ bút có chất văn vô cùng độc đáo, mới lạ được sáng tạo từ ngòi bút tài năng và uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.

– Khéo léo dẫn dắt vào nội dung cần phân tích: Cảnh vượt thác của ông lái đò là một cảnh tượng vô cùng hào hùng, có một không hai.

*Thân bài

Khái quát về cảnh vượt thác của người lái đò:

– Cảnh vượt thác của ông lái đò nằm trong phần thứ hai của tùy bút: Tác giả đã tái hiện lại cuộc sống của con người trên sông Đà và hình tượng ông lái đò.

– “Cảnh vượt thác” là cảnh tượng của người lái đò phải vượt qua ba trùng vi thạch trận nguy hiểm với bao tướng dữ quân tợn.

– Cảnh này được Nguyễn Tuân gọi là cảnh tượng có một không hai.

Phân tích cảnh vượt thác.

* Ở vòng đấu thứ nhất:

– Con sông Đà với:

  • Các thạch trận với bốn cửa sinh và một cửa tử.
  • Nước thác reo hò như làm thanh viện cho đá.
  • Sóng thác đã đánh miếng đòn hiểm độc nhất bóp chặt lấy hạ bộ.

Các bẫy trận do con sông tạo ra khiến không khí trận chiến nóng bỏng gay cấn hồi hộp.

– Ông lái đò:

  • Thạch trận dàn bày vừa xong thì con thuyền của ông vút tới.
  • Mặt ông lái đò méo xệch đi.
  • Ông đò hai tay giữ chặt mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng.

Con thuyền đã thoát khỏi nguy hiểm một cách ngoạn mục.

* Ở vòng đấu thứ hai:

– Con sông Đà tiếp tục:

  • Tăng thêm nhiều cửa tử, cửa sinh và lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn.
  • Dòng thác hùm beo đang hồng hộc té mạnh trên sông đá.

Qua trận đấu thứ nhất con sông Đà trở nên khôn ngoan hơn.

– Ông lái đò vẫn:

  • Nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá nơi đây và ông cũng đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá.
  • Ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước và phóng nhanh vào cửa sinh.

Tiếp tục vượt qua hết các cửa tử.

* Ở vòng đấu thứ ba:

– Con sông Đà ở trận này thì:

  • Ít cửa hơn nhưng bên trái bên phải đều là những luồng chết, luồng sống thì lại nằm ở ngay giữa bọn đá hậu vệ.
  • Bốn năm bọn thuỷ quân rồi các cửa ải nước bên bờ trái liên xô ra cảnh níu lấy cái thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử.

Con sông đã khôn khéo và ngày càng mưu mẹo hơn, nó muốn dồn người lái đò vào chỗ chết.

– Ông lái đò:

  • Vẫn cứ phóng thẳng thuyền và chọc thủng cửa giữa đó.
  • Thuyền của ông như một cái mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước.

Cuối cùng ông lái đò đã chiến thắng con sông hung hăng, dữ tợn.

*Kết bài

Cảm nhận chung của mình về cảnh vượt thác: Cảnh vượt thác kinh điển trong “Người lái đò sông Đà” đã trở thành một cảnh tượng mà “xưa nay chưa từng có” đã góp phần tô đậm cái chất tài hoa nghệ sĩ của người lái đò sông Đà. Còn với Nguyễn Tuân, ông đích thực là một nhà văn của cái đẹp.