Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa | Nguyễn Minh Châu

0

Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu đầy đủ, chi tiết nhất. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu là một tác phẩm kể về câu chuyện xoay quanh các nhân vật là anh nhiếp ảnh gia Phùng, bé Phác, người đàn bà hàng chài, người chồng vũ phu và Đẩu. Trong bài viết này Butbi gửi tới các bạn dàn ý phân tích chi tiết, sơ đồ tư duy và bài văn mẫu phân tích “Chiếc thuyền ngoài xa” hay nhất được chọn lọc, mời các bạn tham khảo.

Tham khảo thêm:

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

I, Dàn ý phân tích Chiếc thuyền ngoài xa chi tiết

1, Mở bài

– Khái quát tác giả-  nhà văn Nguyễn Minh Châu: là một trong số “những nhà văn mở đường tài ba và tinh anh nhất”. Ông không ngừng trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của những người nghệ sĩ, luôn thiết tha đi tìm và khám phá những hạt ngọc ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn.

– Giới thiệu khái quát tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa: truyện ngắn được in trong tập Bến quê, đem đến cho chúng ta cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc sống và con người.

2, Thân bài

2.1, Hai phát hiện đắt giá của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng

a) Phát hiện nghệ thuật: “cảnh đắt trời cho”

– Phùng là một người say mê nghệ thuật, say mê cái đẹp trong một thoáng nhìn anh đã phát hiện ra cảnh đẹp đắt giá trời cho để chớp lấy.

  • Đây là “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”, một vẻ đẹp huyền mỹ và toàn bích. Đây là cảnh tượng kì diệu tuyệt đẹp của thiên nhiên, cuộc sống khi chúng ta nhìn từ xa.
  • Người nghệ sĩ Phùng bối rối trước cái đẹp toàn bích ấy: “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”, trước vẻ đẹp ấy anh nhận ra rằng “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ khi bắt gặp được cái đẹp, qua đó mà anh nhận ra vai trò thực sự của nghệ thuật.

b) Phát hiện bức tranh cuộc sống đầy ngang trái, nghịch lí

– Từ chiếc thuyền với hình ảnh đẹp đẽ vừa rồi, Phùng đã nhìn thấy:

  • Một người đàn bà dáng dấp thô kệch xấu xí, mặt mũi đầy sự mệt mỏi và một lão chồng với thân hình cao lớn cùng tấm lưng rộng, mái tóc tổ quạ và đôi mắt độc dữ cùng bước ra từ con thuyền.
  • Lão chồng đã “dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”, lão “vừa đánh vừa nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn”.
  • Trong khi ấy, người đàn bà vẫn nhịn nhục chỉ cam chịu, không kêu van cũng không chống trả hay chạy trốn.

– Thái độ của Phùng: vô cùng kinh ngạc, “kinh ngạc đến mức trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn”. Lúc này, Phùng ngỡ ngàng nhận ra bản chất thực sự của cái đẹp anh vừa bắt được mà anh coi là toàn bích ấy.

⇒ Nhận xét: đừng nhìn vẻ bên ngoài mà đánh giá bản chất bên trong một sự việc, đối tượng nào đó.

2.2, Câu chuyện của người đàn bà hàng chài khốn cùng ở tòa án huyện

– Khi chánh án Đẩu khuyên giải và đề nghị chị nên li hôn, thì chị ta lại lạy lục van xin “con lạy quý tòa …đừng bắt con bỏ nó”, chị ta nói:

  • Người đàn ông ấy bản chất vốn không phải kẻ vũ phu, độc ác mà anh ta cũng chỉ là nạn nhân của cuộc sống đói khổ. Người chồng vũ phu ấy chính là chỗ dựa của cả gia đình khi có biển động.
  • Một mình chị không thể nuôi nấng nổi trên dưới 10 đứa con, vả lại không phải lúc nào họ cũng như thế mà “trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái vui vẻ, hòa thuận”.

– Qua câu chuyện về cuộc đời và thái độ của người đàn bà ấy, ta có thể nhận thấy người đàn bà hàng chài là hiện thân cho kiếp người bất hạnh bị cái đói cái khổ, cái ác và số phận đen đủi, hẩm hiu dồn đến chân tường. Nhưng ở chị ta lại có một tấm lòng vị tha, tình yêu thương tha thiết, sự hi sinh cao cả và là người từng trải, sâu sắc.

– Thái độ của chánh án Đẩu và nhiếp ảnh gia Phùng khi người đàn bà quyết tâm không bỏ chồng:

  • Ban đầu cả hai đều thấy rất giận dữ và bất bình trước sự cam chịu cứng nhắc của người đàn bà.
  • Nhưng sau khi nghe tâm sự về cuộc đời của chị, họ như thấy có “một cái gì vừa mới vỡ ra”.

→ Nhận xét: Ban đầu, họ chỉ quen nhìn đời bằng con mắt đơn giản, một chiều, khái quát (nghĩ đơn giản rằng những kẻ đi theo ngụy là những kẻ xấu xa “lão ta hồi 75 có đi lính ngụy không?”), chỉ biết qua lí thuyết sách vở mà không đối mặt với nghịch lí cuộc đời.

⇒ Bài học rút ra: trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật ta phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều, không nên nhìn hiện tượng, vẻ bề ngoài mà đánh giá bản chất thật sự bên trong.

2.3, Tấm ảnh được chọn và những trăn trở

– Nghệ sĩ Phùng vẫn mang tấm ảnh mà anh chụp đó về tòa soạn, quả nhiên tấm ảnh được đánh giá cao và được chọn in trên tờ lịch, nó được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật.

– Mỗi khi Phùng nhìn tấm ảnh, anh vẫn luôn nhận thấy trong bức ảnh của mình:

  • cái màu hồng hồng của sương mai” (là biểu tượng cho nghệ thuật) và người đàn bà cùng khổ bước ra từ bức tranh (là hiện thân cho đời thực).

– Nhận xét: nghệ thuật chân chính là không bao giờ tách rời khỏi cuộc sống và người nghệ sĩ chân chính là người biết đem hiện thực vào nghệ thuật.

3, Kết bài

– Nêu cảm nhận riêng của bản thân về tác phẩm.

– Nhân xét giá trị nghệ thuật: xây dựng tình huống truyện vô cùng đặc sắc, cốt truyện lôi cuốn, hấp dẫn. Khắc họa nhân vật sắc sảo, rõ nét,  điểm nhìn trần thuật linh hoạt…

– Tác phẩm đã đem đến cho người đọc những bài học về cách nhìn cuộc sống và con người: phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để thấy được bản chất thật sự đằng sau vẻ bề ngoài hào nhoáng của hiện tượng.

II, Sơ đồ tư duy phân tích Chiếc thuyền ngoài xa

1. Sơ đồ tư duy phân tích Chiếc thuyền ngoài xa tổng quát

Sơ đồ tư duy phân tích Chiếc thuyền ngoài xa
Sơ đồ tư duy phân tích Chiếc thuyền ngoài xa

2. Sơ đồ tư duy phân tích chiếc thuyền ngoài xa người đàn bà

Sơ đồ tư duy phân tích chiếc thuyền ngoài xa người đàn bà
Sơ đồ tư duy phân tích chiếc thuyền ngoài xa người đàn bà

3. Sơ đồ tư duy phân tích tình huống truyện chiếc thuyền ngoài xa 

Sơ đồ tư duy phân tích tình huống truyện chiếc thuyền ngoài xa   
Sơ đồ tư duy phân tích tình huống truyện chiếc thuyền ngoài xa

4. Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật phùng trong chiếc thuyền ngoài xa

Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật phùng trong chiếc thuyền ngoài xa
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật phùng trong chiếc thuyền ngoài xa

III, Bài văn mẫu phân tích Chiếc thuyền ngoài xa hay nhất được chọn lọc

Nguyễn Minh Châu là cây bút tiên phong trong thời kì đổi mới với nhiều tác phẩm truyện ngắn xuất sắc như Mảnh trăng cuối rừng, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa, … Các tác phẩm văn học của ông luôn chứa đựng những triết lý, những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Và truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất mang đậm phong cách tự sự – triết lý của ông.

“Chiếc thuyền ngoài xa” được viết vào năm 1983 kể về nhân vật Phùng – một người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Anh được giao nhiệm vụ chụp một bộ ảnh về cảnh biển để in lên bộ lịch mới nên anh đã thực hiện  chuyến đi thực tế ở một vùng biển – nơi từng là chiến trường cũ của mình để kiếm tìm cảm hứng nghệ thuật. Và tại đây, anh đã có được hai phát hiện lớn lao, một là một bức ảnh tuyệt đẹp mà anh cho là cảnh “đắt giá trời cho” khiến anh phải say mê, ngây ngất, hai là phát hiện về một sự thật trần trụi đến đau lòng ngay đằng sau vẻ đẹp hoàn mỹ anh vừa tìm ra.

Sau vài ngày “phục kích” săn ảnh mà vẫn chưa ưng ý, cuối cùng Phùng cũng “bắt gặp” được một khung cảnh “trời cho”, đó là bức ảnh với những nét đẹp hoàn mỹ nhất: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Khung cảnh ấy thật quá đẹp và với Phùng, đó là một “bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”, nó vừa đẹp đẽ lại vừa quý giá vô cùng. Bức tranh ấy “đơn giản và toàn bích”, một vẻ đẹp, một khung cảnh hoàn hảo đến diệu kì. 

Phùng nghĩ rằng “có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy”. Trước khung cảnh hoàn mỹ ấy, anh cảm thấy sự bồi hồi và có chút bối rối bởi cái đẹp ấy dường như chỉ có trong những bức hoạ xa xưa, nó khiến anh cảm thấy “trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Và chính khoảnh khắc áy, Phùng cảm thấy dường như “chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, và anh còn cho rằng phải chăng “cái đẹp chính là đạo đức”. Bởi cái đẹp nó không chỉ mang đến cho con người ta những rung động mà còn thanh lọc tâm hồn và mang đến “hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình”.

Phải nói rằng, Phùng là một người nghệ sĩ tâm huyết có đam mê, trách nhiệm với nghề, bởi để có được một bức ảnh ưng ý nhất, anh đã sẵn sàng “phục kích” hàng tuần liền trên biển, dù đã chụp được rất nhiều ảnh về cảnh biển nhưng anh đều không ưng ý mà tiếp tục tác nghiệp. Hơn thế, anh cũng là một người nghệ sĩ nhạy cảm với cái đẹp để có thể khám phá, phát hiện ra một bức tranh hoàn mỹ để mà thu lấy, mà cái đẹp ấy chỉ diễn ra trong tích tắc.

Thế nhưng, lại ít ai để ý rằng, nơi mà Phùng gác chiếc máy ảnh của mình để thu trọn cái cảnh đẹp toàn mỹ kia chẳng phải là một nơi có thể bao quát được toàn cảnh mà lại chỉ là bên một “bánh xích của chiếc xe tăng” – tàn tích của chiến tranh xưa để lại. Có lẽ chính vì thế mà lần đầu tiên nhìn thấy cảnh đẹp ấy, Phùng mới chỉ nhìn thấy vẻ ngoài của khung cảnh mà không phải là toàn bộ bức ảnh. Và những phát hiện, những sự thật phía sau bức ảnh “toàn bích” kia đã khiến anh bất ngờ và hụt hẫng vô cùng. Đó là khi Phùng phải chứng kiến một cảnh đời vô cùng tàn nhẫn, ngang trái và bi kịch. Từ trong những con thuyền ấy bước ra một người đàn ông cao to thô lỗ và một người đàn bà tội nghiệp. Lão đàn ông ấy “hùng hổ, mặt đỏ gay”, rút chiếc thắt lưng của mình ra và “quật tới tấp vào lưng người đàn bà” lão vừa đánh lại vừa nói ra những lời nguyền rủa độc ác “chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”. Và thật kì lạ làm sao, người đàn bà ấy vẫn ngồi đó chẳng chút phản kháng, cũng chẳng kêu thân một tiếng nào mà vẫn “cam chịu đầy nhẫn nhục” hứng chịu từng trận đòn roi.

Chứng kiến cảnh đó, Phùng đã vô cùng kinh ngạc, anh chỉ biết “đứng há mồm ra mà nhìn”. Bởi anh không thể hiểu được cái điều nghịch lý đang diễn ra trước mắt mình. Anh từng là một người lính ở chiến trường đầy khói lửa, những sự dã man, tàn bạo nhất anh đều đã từng chứng kiến, thế nhưng cảnh tượng vô lí trước mắt vẫn khiến anh khó lòng mà chấp nhận. Càng kinh ngạc hơn khi hình ảnh của một đứa bé lao vút qua người anh, rồi giằng lấy chiếc thắt lưng và quật vào ngực người đàn ông kia. Đứa bé đó là Phác, là đứa con trai của hai vợ chồng người đàn bà đáng thương đó. Và đáp lại hành động đó là hai cái tát nảy lửa giáng xuống mặt thằng bé khiến nó ngã nhào. Khi thấy cảnh này, người đàn bà hàng chài mới bật khóc, ôm lấy đứa con nhỏ tội nghiệp và rồi lại buông ra vội vã “đuổi theo lão đàn ông” và trở lại con thuyền.

Tất cả những sự việc diễn ra trước mắt khiến Phùng ngơ ngác và khó hiểu, sự việc quái đản diễn ra quá bất ngờ khiến anh chẳng thể nào hiểu nổi. Chiếc thuyền kia đã biến mất “như trong câu chuyện cổ quái đản”, nhưng lại để lại trong Phùng những cảm xúc khó diễn tra, để lại cho anh nhiều điều băn khoăn, nhiều điều bối rối. Cái hình ảnh trần trụi đến đau lòng mà anh vừa chứng kiến đã thay đổi cảm quan bên trong con người anh. Anh phát hiện ra rằng dường như ranh giới giữa cái đẹp và cái xấu, cái hoàn mỹ về đạo đức và cái dã man tàn độc chỉ cách nhau một tấm màn mỏng. Một bức tranh tuyệt mỹ như vậy nhưng ẩn chứa trong nó là bao nhiêu cái dã man, tàn nhẫn và xấu xa vô cùng. Nó cũng là những điều cần chiêm nghiệm mà nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm, ông cho rằng nghệ thuật tuy hướng về cái đẹp thế nhưng nó cũng phải gắn liền với hiện thực dù nó có trần trụi đến mức nào. Không thể lấy cái đẹp mà che giấu đi những điều xấu xa, tàn ác bên trong được. Và một người nghệ sĩ chân chính phải là người có cái nhìn đa chiều, đa diện nhìn thấu cả cái đẹp bên ngoài và cả nội dung phía trong nữa.

Sau khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình vô cùng dã man và vô lí ấy, Phùng đã ở lại bãi biển vài ngày để giúp đỡ người đàn bà ấy. Anh cùng Đẩu muốn khuyên giải người đàn bà ly hôn để thoát khỏi cuộc hôn nhân “địa ngục”. Thế nhưng người đàn bà ấy đến tòa án huyện với một vẻ sợ sệt, lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt, dù rằng đây là lần thứ hai bà ta đến đây để giải quyết công chuyện gia đình. 

Phải sống trong địa ngục trần gian đầy đau đớn với những trận đòn roi liên tục “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” từ người chồng, thế nhưng chị ta lại nhẫn nhịn cam chịu những tổn thương về cả thể xác và tinh thần chứ một mực không chịu bỏ chồng, thậm chí chị ta còn quỳ lạy van xin Đẩu và Phùng không bắt mình bỏ chồng “Quý tòa bắt tội con cũng được , phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…”. Ban đầu, Phùng và Đầu vô cùng bất bình và cũng thấy ngạc nhiên trước thái độ và hành động không sao hiểu nổi của người đàn bà, thế nhưng khi lắng nghe câu chuyện về cuộc đời của chị và về người đàn ông kia, hai người bỗng hiểu ra tất cả.

Khi kể về câu chuyện cuộc đời mình, người đàn bà ấ đã đổi các xưng hô từ con với quý tòa sang chị với các chú, điều này thể hiện rằng chị ta muốn tâm sự với họ như những người em thân thiết, cũng muốn trải lòng với sự chân thành của mình. Chị ta chấp nhận sống cùng người chồng vũ phu, độc ác và cam chịu những trận đòn roi vô lí ấy là bởi chị ta biết ơn và cũng hiểu được tâm tính cũng như nỗi khổ của người chồng. Người đàn ông vũ phu ấy trước kia cũng đã từng là “một anh con trai cục tính nhưng hiền lành”, ông ta cũng là người duy nhất đã chấp nhận cưu mang người phụ nữ xấu xí, quá lứa lỡ thì là chị ta. Bởi vậy với người chồng bạo tàn, hung dữ hiện tại, người đàn bà không chỉ có sự thấu hiểu, tình nghĩa mà còn ở đó còn là sự biết ơn sâu sắc.

Những lời kể chân thật của người đàn bà đã khiến cho cả hai người họ sững sờ. Lúc này họ mới chợt hiểu ra tấm lòng của một người phụ nữ, nó bao dung khoan nhường và hi sinh đến dường nào! Người đàn bà ấy thấu hiểu bản chất thật và sự thay đổi của người chồng, nó cũng chỉ vì cái đói cái khổ mà ra, chị lại còn đẻ nhiều con nên người chồng mới trở nên cục cằn, bạo lực như thế. Chị cũng hiểu về cuộc sống vất vả, cực khổ trên biển, một con thuyền lênh đênh trên biển không thể thiếu đi bàn tay chèo lái của người đàn ông, nhất là khi biển động, bão bùng, sóng gió. Và sự cam chịu của chị ta càng trở nên có ý nghĩa hơn khi sự cam chịu hy sinh ấy sẽ giúp cho những đứa con của mình có một gia đình hoàn chỉnh, có đủ bố mẹ.

Câu chuyện của người đàn bà cùng khổ ấy đã giúp Phùng và Đẩu  hiểu rõ rằng cái nguồn gốc, căn nguyên của bạo lực gia đình đó chính là cái nghèo, cái đói. Phùng ngỡ ngàng nhận ra bản chất xù xì, thô nhám của hiện thực, đó có thể là những nghịch lí, những sự thật trái ngang vẫn tồn tại trong cuộc sống mà nếu chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài, quan sát bằng đôi mắt hời hợt, khách quan, phiến diện thì không thể nhận ra. Hiện thực ấy cũng giúp Phùng chiêm nghiệm ra một chân lý rằng: nghệ thuật không thể chỉ có lãng mạn, đẹp đẽ và thi vị hoá, mà nó đôi khi còn lại sự thật đầy ngang trái, nghịch lý. 

Sau khi trở về toà soạn và bức ảnh kia đã được chọn thì trong lòng Phùng lại luôn canh cánh, ẩn chứa những điều mà ít ai có thể thấu hiểu. Bức ảnh ấy đã diễn tả một cảnh đẹp tinh khôi, hoàn mỹ và trở thành bức ảnh nghệ thuật sáng giá “được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”. Thế nhưng, chỉ riêng Phùng mới có thể nhìn thấy từ đằng sau bức tranh đẹp đẽ ấy bước ra “một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch”.Ở đây, Nguyễn Minh Châu đã cố ý lồng ghép vào đó những hình ảnh mang tính biểu tượng. Một là “màu hồng hồng của ánh sương mai”, đó chính là biểu tượng cho cái đẹp, cho cái thơ mộng, cho vẻ đẹp toàn bích, hoàn mỹ mỹ mà con người ta luôn tìm kiếm. Hai là hình ảnh người đàn bà hàng chài với dáng vẻ mệt mỏi, tiều tụy, đau khổ đó là hiện thực, đó là cái nhìn có chiều sâu, khám phá vào tận sâu bên trong bản chất của sự vật, hiện tượng, để thấy được những điều ẩn chứa phía sâu bên trong cái đẹp và có đôi khi, cái nằm ở phía sâu bên trong ấy lại trái ngược hoàn toàn với vẻ đẹp bên ngoài.

Qua truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm một giá trị nhân văn sâu sắc đó là nghệ thuật phải gắn liền với hiện thực, không được tách rời với hiện thực và người nghệ sĩ chân chính phải là người có cái nhìn đa chiều, đa diện để phát hiện ra cái bản chất thật bên trong về đẹp bề ngoài rực rỡ, hào nhoáng.

Mong rằng với bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa hay nhất được chọn lọc mà Butbi vừa chia sẻ sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các bạn đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 12. Ngoài ra, chúng tôi đã tổng hợp một số tài liệu, văn mẫu học tốt môn Văn THPT, các bạn có thể tải về miễn phí TẠI ĐÂY để nâng cao khả năng viết văn nhé!

Tham khảo thêm: