Phân tích tác phẩm Vợ chồng A phủ | Ngữ văn 12

0

Bài phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài cho ta thấy cuộc sống đầy khổ cực, bất công của nhân dân ta trước cách mạng, lên tiếng tố cáo mạnh mẽ xã hội thời bấy giờ với sự lộng quyền của bọn nhà giàu chúa đất ép người lao động nghèo đến bước đường cùng. Qua đó đề cao giá trị con người, giá trị của sự đổi thay, sự vùng lên phản kháng mạnh mẽ, hướng người dân tìm đến với cách mạng, tìm đến với tự do, hạnh phúc.

Phân tích tác phẩm Vợ chồng A phủ | Ngữ văn 12
Phân tích tác phẩm Vợ chồng A phủ | Ngữ văn 12

Tham khảo thêm:

1. Dàn ý phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ chi tiết

1.1. Mở bài phân tích tác phẩm Vợ chồng A phủ

– Giới thiệu nhà văn Tô Hoài: là cây bút chuyên viết thể loại truyện ngắn với lối trần thuật hóm hỉnh.

– Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm phản ánh nỗi thống khổ của đồng bào Tây Bắc dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đồng thời cũng ngợi ca vẻ đẹp con người lao động nơi đây.

1.2. Thân bài phân tích tác phẩm Vợ chồng A phủ

a) Phân tích nhân vật mị trong vợ chồng a phủ

* Nhân vật Mị trước khi trở thành con dâu gạt nợ:

– Là cô gái người Mông trẻ trung, hồn nhiên, yêu đời, có tài thổi sáo và được rất nhiều chàng trai theo đuổi. 

– Mị đã từng yêu, luôn mong muốn khao khát đi theo tiếng gọi của tình yêu. 

– Là người con gái hiếu thảo, chăm chỉ, ý thức được giá trị cuộc sống tự do nên đã xin lên nương làm ngô trả nợ thay cho bố.

* Nhân vật Mị từ khi trở thành con dâu gạt nợ:

– Nguyên nhân thành con dâu gạt nợ: do món nợ truyền kiếp từ thời cha mẹ Mị để lại cùng tục cướp vợ của người Mông đem về cúng trình ma. Người lao động nghèo bị cả cường quyền và thần quyền buộc chặt.

– Mị phải chịu những đày đọa, những đau đớn về thể xác: phải làm việc quần quật cả đêm ngày, cuộc sống của Mị còn “không bằng con trâu con ngựa” ; bị đánh đập một cách dã man: bị trói, đạp vào mặt, …

– Mị phải chịu nỗi đau tinh thần: một cô gái lúc nào cũng cúi gằm mặt với vẻ “mặt buồn rười rượi”, không quan tâm đến thời gian (thế hiện qua hình ảnh ô cửa sổ), cuộc sống lầm lũi “như con rùa nuôi trong xó cửa”, và “ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi”.

– Trong đêm hội mùa xuân ở Hồng Ngài, sức sống của Mị dường như trỗi dậy:

  • Âm thanh nhộn nhịp, náo nức của cuộc sống bên ngoài (tiếng trẻ con chơi quay, tiếng sáo gọi bạn tình, ..) đã đánh thức những kỉ niệm khó quên trong quá khứ.
  • Mị ý thức lại được sự tồn tại của bản thân nên “thấy phơi phới trở lại”, “Mị còn trẻ lắm …”, với khát khao, mong muốn được tự do, Mị đã thắp sáng căn phòng tối và cũng muốn “đi chơi tết” để chấm dứt cái sự tù đày này.
  • Khi bị A Sử trói lại, lòng Mị vẫn còn chưa thoát ra khỏi tiếng sáo, tiếng hát của tình yêu kia. Đến khi vùng dậy cô mới chợt tỉnh trở về với hiện thực.

→ Nhận xét: trong con người Mị luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, sức sống ấy luôn âm ỉ trong lòng và chỉ chờ có cơ hội để có thể bùng lên mạnh mẽ.

– Khi A Phủ làm mất bò và bị phạt trói đứng ở cột nhà cho đến chết:

  • Ban đầu Mị dửng dưng chẳng quan tâm tới A Phủ, bởi sau đêm tình mùa xuân ấy, cô đã trở về với cái xác không hồn.
  • Khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, dường như sự đồng cảm đã khiến Mị nhớ lại hoàn cảnh của mình trong quá khứ, lúc này Mị lại biết thương mình và thương cho kiếp người bị đày đọa khốn cùng kia “có lẽ ngày mai người kia sẽ chết, chết đau, … phải chết”.
  • Bất bình trước những tội ác tày trời của bọn thống lí, Mị đã cắt dây đay và cởi trói cho A Phủ chạy. Mị cũng sợ cái chết, sợ nhà thống lí nên cô cũng xin đi theo A Phủ để tìm lối thoát.

→ Nhận xét: Mị là người con gái âm thầm lặng lẽ nhưng cũng rất mạnh mẽ, hành động cắt dây trói giải thoát cho A Phủ cũng là hành động đạp đổ cường quyền, thần quyền của bè lũ thống trị miền núi.

b) Phân tích nhân vật A Phủ

– Số phận: là một chàng trai nghèo khổ, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không còn người thân, lớn lên đi làm thuê khắp nơi, sau đó trở thành người ở đợ để gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.

– Khi trở thành người ở để gạt nợ cho nhà thống lý:

  • Nguyên nhân: vì bất bình trước sự ngạo mạn, hống hách của A Sử nên A Phủ đã đánh A Sử, bị nhà thống lý bặt nộp phạt nhưung vì không có tiền nên đã phải làm người ở để gạt nợ.
  • A Phủ phải chịu những sự đày đọa về mặt thể chất: phải làm những công việc nguy hiểm, nặng nhọc như “đốt rừng, cày nương hay săn bò tót, …”, anh còn không có giá trị bằng một con bò, khi mải săn nhím làm mất bò mà anh bị trói đứng đến chết.

– Tích cách:

  • Lúc nhỏ A Phủ là một đứa trẻ mạnh mẽ, gan bướng: khi bị bán xuống cánh đồng thấp lại lén trốn lên núi cao.
  • Lớn lên trở thành một chàng trai khỏe mạnh, tốt bụng, chăm chỉ, tháo vát, biết làm mọi việc. Là người chính trực, biết bất bình trước sự bất công (thể hiện qua hành động đánh A Sử), kháo khát tự do (thể hiện qua hành động nén đau để vùng chạy khi được cắt dây trói).

3. Kết bài phân tích Vợ chồng A phủ

– Nhận xét về nghệ thuật: ngôn ngữ mộc mạc, chân chất, cách nói mang đậm chất miền núi, lối trần thuật linh hoạt, uyển chuyển với sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật, miêu tả thành công tâm lí của nhân vật và cảnh quan thiên nhiên.

– Giá trị nội dung: tác phẩm để lại những giá trị nhân đạo sâu sắc đó là sự cảm thông với số phận đau khổ, cùng cực của những con người lao động nghèo phải chịu áp bức, đồng thời lên tiếng tố cáo lên án bọn thống trị miền núi, bọn thực dân, qua đó ngợi ca vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong mỗi con người Tây Bắc.

2. Sơ đồ tư duy bài Vợ chồng A Phủ

Sơ đồ tư duy bài Vợ chồng A phủ
Sơ đồ tư duy bài Vợ chồng A phủ
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật mị trong vợ chồng a phủ
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật mị trong vợ chồng a phủ
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật mị trong BÀI vợ chồng a phủ
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật mị trong BÀI vợ chồng a phủ
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật a phủ
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật a phủ

3. Bài văn mẫu phân tích Vợ chồng A Phủ siêu hay được chọn lọc

Tô Hoài một nhà văn tài năng với nhiều thể loại, một cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đai. Ông là nhà văn của sự thật đời thường, là người có vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc về các phong tục tập quán của nhiều vùng miền khác nhau. Trước Cách mạng, ngòi bút của ông chủ yếu hướng về vùng nông thôn nghèo và thế giới loài vật. Sau Cách mạng, phong cách của ông có sự chuyển hướng, lúc này ngòi bút của ông lại hướng đến những vùng nông thôn rộng lớn hơn, đặc biệt là Tây Bắc.

Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là thành quả của chuyến đi thực tế lên vùng Tây Bắc của ông. Tác phẩm đã lên án, phê phán, tố cáo chế độ phong kiến miền núi đang chà đạp, áp bức quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng mang đậm tinh thần nhân đạo. Cảm thương cho số phận khổ đau của những người lao động nghèo bất hạnh, bị tước đoạt đi quyền sống, quyền tự do, bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Đồng thời còn trân trọng ngợi ca sức sống tiềm tàng mãnh liệt và luôn biết hướng đến một tương lai tốt đẹp của họ.

Bằng kết cấu hồi tưởng, trần thuật ở hiện tại sau đó ngược trở về quá khứ Tô Hoài đã tạo được những dấu ấn cá nhân riêng biệt qua lối kể chuyện đầy linh hoạt của mình. Trước khi về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lý Pá Tra, Mị là một cô gái xinh đẹp, hồn nhiên, yêu đời và có tài thổi sáo. Đặc biệt, Mị còn là cô gái rất giàu lòng tự trọng luôn muốn làm chủ và muốn tự định đoạt chính cuộc đời của mình. Mị là nỗi niềm ao ước của  biết bao chàng trai trong làng. Thế nhưng cuộc đời thật nhiều trái ngang, nó đã xô đẩy Mị, làm trái lại với tất cả những gì mà cô mong muốn. Chỉ vì muốn giúp cha trả món nợ truyền kiếp từ xa xưa mà Mị bỗng dưng trở thành dâu gạt nợ nhà họ Lý kia. Bị ràng buộc về món nợ, Mị còn bị ràng buộc cả về những hủ tục hôn nhân lạc hậu. Nỗi đau khổ chồng chất lên một cô gái trước đây từng ao ước có một cuộc sống tự do, luôn khát khao có được hạnh phúc. Chỉ đến đây thôi ta cũng đã nhìn thấy cái xã hội mà bọn lang đạo, bọn phong kiến chúa đất miền núi đã bóc lột, đã áp bức, đã tước đi quyền tự do của biết bao nhiêu con người lao động nghèo. Ba tiếng “dâu gạt nợ” như hé mở cho người đọc thấy một cuộc sống chồng chất những đau thương, khổ cực, những bi kịch mà Mị đang phải gánh chịu.

Mị – một cô gái vốn yêu đời, hồn nhiên, tràn đầy sức sống như thế, một người con vô cùng hiếu thảo, biết ý thức được cái giá của sự tự do nên đã xin cha lên làm nương lấy tiền trả nợ, còn khẩn nguyện xin “đừng bán con cho người giàu” nhưng vì sự đàn ép, vì hủ tục lạc hậu mà cướp đi ước mơ, hoài bão, chôn vùi đi  thanh xuân tươi đẹp và sự tự do của một cô gái. Mị đã bị A Sử cướp và đem về để “cúng trình ma” nhà thống lí. Cuộc đời Mị từ đây gắn liền với số phận của người con dâu gạt nợ trong nhà thống lí. Cô phẫn uất, đau khổ, thương xót cho chính thân phận của mình. Đau khổ cùng cực nên Mị đã định tự tử bằng lá ngón nhưng cô “không đành lòng chết” vì còn thương cha. Có lẽ chết là cách tốt nhất để Mị có thể giải thoát cuộc đời nô lệ của mình, sẽ không phải xót xa hay căm hờn gì nữa nhưng khi chết rồi cha vẫn phải trả nợ, nên cô đành ngậm ngùi ôm nỗi tủi nhục mà sống tiếp. 

Từ thái độ phản kháng kịch liệt, Mị lại trở nên cam chịu, chấp nhận hoàn cảnh. Lâu dần nên Mị cũng đã quen với cái khổ, cuộc sống của Mị còn không bằng con trâu, con ngựa, quần quật làm việc cả ngày lẫn đêm không được nghỉ ngơi. Mọi công việc trong nhà như hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, quay sợi, dệt vải, bẻ bắp, chẻ củi, cõng nước,…nó cứ nối tiếp nhau “vẽ ra trước mặt” bắt cô phải làm. Cả ngày Mị chẳng nói chẳng rằng, lúc nào cũng cúi gằm mặt xuống “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Càng ngày, Mị càng trở lên câm lặng, chấp nhận số phận, cam chịu với cuộc sống đầy bất công mà không một lời oán trách. Đau khổ về thể xác, đến tinh thần cũng bí bách khôn nguôi, còn điều gì đáng buồn hơn khi lấy chồng mà người bên cạnh không phải là người mình thương yêu, đến sự sẻ chia, lời ủi ăn cũng chẳng có, chứ nói gì đến người bạn tâm tình những lúc chán nản, mệt nhoài. Thật đau đớn thay cho những kiếp người nghèo khổ, bất hạnh, phải chịu biết bao nỗi bất công, bao nỗi tuyệt vọng ngập tràn. Mọi thức đổ ập lên người, nên lúc này đây, Mị đang phó mặc, buông xuôi số phận của mình. Đọc những dòng miêu tả Mị lúc này, ta cảm thấy xót thương, đồng cảm cho số phận con người và cũng căm phẫn thật nhiều. Xót thương cho cuộc đời tăm tối khổ đau của nàng, căm phẫn với cái chế độ tàn nhẫn đầy rẫy sự bất công của xã hội của đã đẩy con người ta đến đường cùng tăm tối.
Những tưởng rằng Mị đã hoàn toàn vô cảm với thế giới bên ngoài, nhưng chính cảnh sắc thiên nhiên Tây Bắc vào mùa xuân và âm thanh vang vọng của tiếng sáo là tác nhân đánh thức, khơi dậy lòng yêu đời, sức sống đã bị vùi lấp trong con người Mị. Tiếng sáo ấy đã đánh thức tâm hồn đã bị ngủ quên của Mị bấy lâu. Mị cảm nhận được âm hưởng ‘thiết tha bồi hồi” trong tiếng sáo gọi bạn đi chơi bên ngoài lễ hội. Không khí nhộn nhịp, náo nức của những ngày Tết khiến Mị như “sống về những ngày trước”. Mị lén uống rượu, “uống ừng ực từng bát” như muốn nuốt trôi đi tất cả những phẫn uất vào trong. Tâm hồn Mị bỗng “phơi phới trở lại”. Điều đặc biệt là Mị đã lấy lại ý thức về bản thân, cô đã nhận ra rằng mình vẫn còn trẻ và vẫn muốn được đi chơi ngày Tết. Từ mong muốn chuyển sang thành hành động, Mị thắp đèn lên chiếu sáng căn phòng tối tăm ấy, quấn lại tóc rồi lấy cái váy hoa để sửa soạn đi chơi. Hành động thắp sáng căn phòng của Mị cũng giống như đang thắp sáng cuộc đời của Mị vậy. Mị đã thực sự hồi sinh và muốn vùng vẫy để thoát khỏi vòng áp chế của các thế lực cường quyền, thần quyền và phu quyền. Nhưng trớ trêu thay, đó mới chỉ là ý định mà thôi, Mị chưa kịp thực hiện thì đã bị A Sử phát hiện và trói cô vào cột nhà bằng cả thúng sợi đay. Nhưng lúc này, tâm hồn Mị vẫn còn lửng lơ theo tiếng sao mà quên đi nỗi đau về thể xác đến khi nghe tiêng chân ngựa đạp vào vách Mị mới chợt tỉnh về về thực tại. Làm dâu nhà giàu nhưng thân phận của Mị  lại không khác gì thậm chí là không bằng con trâu, con ngựa.

Là một người lặng lẽ, âm thầm cam chịu là vậy nhưng ẩn sâu trong tâm hồn là một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Điều ấy được thể hiện qua hành động Mị cắt dây trói giải cứu A Phủ và cùng anh trốn khỏi Hồng Ngài. Đây cũng là hành động tự cởi trói, tự giải thoát cho chính cuộc đời của mình. Nó xuất phát từ tấm lòng đồng cả, thương người rồi thương cả mình. Mị đã tự giải thoát cuộc đời mình khỏi sự áp bức, bóc lột của cường quyền, thần quyền.  Hành động này tuy có tính tự phát nhưng nó lại vô cùng hợp lí.

Không chỉ khắc họa thân phận bèo bọt, bất hạnh của người phụ nữ, Tô Hoài còn khắc họa thân phận của người đàn ông miền núi cũng phải chịu những sự bất công của xã hội. Đó là A Phủ – một chàng trai nghèo, vốn mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ lại chẳng có người thân thích. Khi còn nhỏ, A Phủ trở thành món hàng để đổi lấy thóc của người Thái nhưng, anh là một người gan bướng, không chịu ở dưới cánh đồng thấp, nên đã trốn lên núi và lưu lạc đến Hồng Ngài. Tuy nghèo khó nhưng A Phủ biết tự lao động, chăm chỉ làm lụng để nuôi sống bản thân. Anh biết và thông thạo mọi công việc từ đúc lưỡi cày, đục cuốc, cày giỏi và còn đi săn bò tót rất bạo. Vì thế nên nhiều cô gái mong muốn có được A Phủ và còn ví rằng có được anh “cũng bằng được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy lúc mà giàu”. A Phủ còn là một chàng trai  tốt bụng, có sự gan góc, biết vượt qua khó khăn và biết bất bình trước những sự bất công. Trước sự hống hách, ngạo mạn của A Sử – con trai nhà thống lý, A Phủ đã ra tay đòi lại công bằng, anh đã đánh cho A Sử một trận nhừ tử, và cũng chính vì thế mà A Phủ bị bắt và phải là con nợ làm thuê để trả nợ cho nhà thống lý. 

A Phủ đánh A Sử không phải do anh hiếu chiến, ngang tàn mà là do anh không chấp nhận sự bất công của xã hội, sự thống trị và sự lên ngôi của cái ác. Sự áp chế của cường quyền đã đẩy một con người yêu tự do, phóng khoáng như A Phủ trở thành một con người cam chịu số phận. Anh đã chấp nhận cuộc đời ở đợ để trừ nợ cho nhà thống lí. Một lần vì mải mê bẫy nhím mà A Phủ để hổ bắt mất một con bò. Vì vậy mà A Phủ đã nhà thống lý trói đứng vào cột nhà cho tới chết. Chịu những cảnh đòn roi đau đớn đến chết đi sống lại, thấy thương xót, tủi nhục với số phận của mình, A Phủ đã không cầm lòng được mà rơi nước mắt. Cũng chính điều này đã lay động được tình thương, lòng đồng cảm của Mị. Và cuối cùng Mị đã quyết định cắt dây trói cứu A Phủ. Hành động “quật sức vùng lên chạy” đã phần nào cho thấy khát vọng sống, khát vọng chấm dứt thân phận đi ở trừ nợ, khát vọng tự do của anh mãnh liệt đến dường nào. Mị xin A Phủ đi cùng, cả hai đã cùng nhau chạy trốn khỏi Hồng Ngài, thoát khỏi trốn ngục từ đã giam giữ cả thể xác lẫn tinh thần của họ. Và cuối cùng họ đã thức tỉnh tìm đến với con đường cách mạng, con đường duy nhất có thể giải thoát và tìm về sự tự do. 

 “Vợ chồng A Phủ” mang những giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.Thông qua tác phẩm, nhà văn Tô Hoài muốn lên án tố cáo chế độ phong kiến lúc bấy giờ và giai cấp thống trị đã bóc lột con người bằng hình thức cho vay nặng lãi. Vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ mà Mị bị mang ra làm vật thế mạng. Đồng thời ông cũng lên án những hủ tục lạc hậu, cổ hủ như “cúng trình ma” đã buộc con người vào vòng mê tín, khiến họ không dám đứng lên, thoát ra vòng vây để tự cứu lấy mình. Ngoài ra, nhà văn cũng thể hiện lòng thương xót, cảm thông với số phận của những người dân lao động miền núi phải cam chịu sự áp bức, bóc lột của tầng lớp thống trị thủ đoạn, gian ác. Từ đó ca ngợi sức sống mãnh liệt tiềm tàng ẩn sâu trong mỗi con người họ. Chính sức sống ấy đã giúp giải thoát cuộc đời họ và tìm đến với cách mạng, đến với cuộc sống tự do.

Bằng bút pháp cá thể hóa, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng của hai nhân vật Mị và A Phủ – đại diện cho những con người lao động nghèo có phẩm chất tốt đẹp nhưng phải chịu số phận bất hạnh, đau khổ. Mị tiêu biểu cho kiểu nhân vật tâm trạng còn A Phủ thì tiêu biểu cho kiểu nhân vật hành động. Làm nền cho sự nổi bật của con người ấy trong thiên truyện là bức tranh cảnh sắc thiên nhiên Tây Bắc tuyệt đẹp: “gió thổi vào gianh vàng ửng” và “trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên những mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ”. Những câu văn giàu tính tạo hình. Cùng với đó là các phong tục, tập quán của người miền núi như tục bắt vợ, cảnh phạt vạ hay cảnh xử kiện  được hiện lên một cách độc đáo. Truyện được kể theo ngôi thứ ba, với điểm nhìn trần thuật có sự thay đổi từ điểm nhìn của người đi xa về tới điểm nhìn của người trong cuộc vì vậy nó vừa mang tính khách quan lại vừa chứa chan sự cảm thông với nhân vật. Ngôn ngữ văn xuôi mang đậm chất thơ cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự lôi cuốn, sức hấp dẫn của tác phẩm.

Với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã mang đến cho người đọc một cái nhìn bao quát, toàn diện hơn về bức tranh cuộc sống của người dân vùng Tây Bắc. Trang văn ấy tuy đã khép lại nhưng dư âm của nó thì còn vang vọng mãi trong tâm trí. Và tuy Tô Hoài đã ra đi nhưng những tác phẩm nghệ thuật, những giá trị nhân văn của ông vẫn vẹn nguyên giá trị trong lòng bạn đọc hôm nay và cả mai sau.

Butbi mong rằng, qua bài viết trên các bạn có thêm những cái nhìn mới và cách cảm nhận mới về tác phẩm được coi là tuyệt bút của nhà văn Tô Hoài này. Ngoài ra, butbi đã tổng hợp Tài liệu, văn mẫu, đề bài tập học tốt môn Văn THPT, các bạn có thể tải về miễn phí TẠI ĐÂY.

Tham khảo thêm: