Soạn bài Vợ chồng A phủ ngắn nhất | Ngữ văn 12

0

Soạn bài Vợ chồng A Phủ ngắn nhất. Bài soạn bài Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài dưới đây sẽ giúp các bạn cảm nhận được tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn đối với số phận bi thảm, khốn cùng của người nông dân vùng cao Tây Bắc dưới chế độ cũ và trả lời chi tiết các câu hỏi chuẩn bị trong SGK Ngữ Văn 12.

Soạn bài Vợ chồng A phủ ngắn nhất | Ngữ văn 12
Soạn bài Vợ chồng A phủ ngắn nhất | Ngữ văn 12

 Tham khảo thêm:

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

1. Soạn bài Vợ chồng A phủ phần tác giả

– Tô Hoài (sinh năm 1920 – mất năm 2014), tên khai sinh là Nguyễn Sen.

– Ông sinh ra ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ (tại quê nội). Tuy nhiên, ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay).

– Ông là người có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục và tập quán của nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước ta.

– Phong cách sáng tác: Những tác phẩm của Tô Hoài thiên về diễn tả những sự thật đời thường.

– Ông là nhà văn đa tài với nhiều thể loại khác nhau như: truyện ngắn, truyện dài, kịch bản phim, hồi ký, tiểu luận…

– Năm 1996, ông vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

– Một số tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của Tô Hoài

  • Dế Mèn phiêu lưu ký (thể loại truyện dài, 1941)
  • O chuột (thể loại truyện ngắn, 1942)
  • Cỏ dại (thể loại hồi ký, 1944)
  • Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953)
  • Tự truyện (1978)
  • Quê nhà (thể loại tiểu thuyết, 1981)
  • Cát bụi chân ai (thể loại hồi ký, 1992)
  • Chiều chiều (thể loại tiểu thuyết, 1999)
  • Chuyện cũ Hà Nội (thể loại ký sự, 2010)…

2. Soạn bài Vợ chồng A phủ phần nội dung tác phẩm

2.1. Hoàn cảnh ra đời

– Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” được viết vào năm 1952, đây là sản phẩm của chuyến thâm nhập thực tế, cùng ăn, cùng ở và cùng gắn bó với đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc suốt 8 tháng ròng rã của Tô Hoài.  

– Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” được rút ra trong tập “Truyện Tây Bắc” (1953) của nhà văn Tô Hoài.

2.2. Bố cục

Gồm ba phần như sau:

  • Phần 1: Từ đầu đến đoạn “Đến bao giờ chết thì thôi”. Diễn tả hoàn cảnh sống của Mị.
  • Phần 2. Tiếp theo đến đoạn “Vì thế mà sinh sự đánh nhau ở Hồng Ngài”. Diễn tả cuộc đời của A Phủ.
  • Phần 3. Còn lại. Cuộc gặp gỡ của Mị và A Phủ và hành trình giải thoát của họ.

2.3. Ý nghĩa nhan đề

– Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” được in trong tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài. Tập truyện là thành quả của chuyến công tác của nhà văn khi “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với các cán bộ và đồng bào miền núi Tây Bắc.

– Tô Hoài đặt cho tác phẩm của mình với nhan đề là “Vợ chồng A Phủ” – đây là một nhan đề ngắn gọn, súc tích nhưng mang nhiều ý nghĩa. Ngay từ nhan đề trên ta đã thấy được hai nhân vật trung tâm của tác phẩm đó là: A Phủ và Mị.

– Đồng thời qua nhan đề ta cũng thấy mối quan hệ giữa hai nhân vật là: “vợ chồng”. A Phủ và Mị vốn là hai con người xa lạ chẳng quen biết nhau. Nhưng cùng vì món nợ với nhà thống lí Pá Trá mà hai người họ đã gặp gỡ nhau (Mị là con dâu gạt nợ của nhà thống lý, còn A Phủ vì đánh A Sử – con trai thống lý mà phải nộp tiền theo lệ làng, vì không có tiền nộp nên được thống lý cho mượn rồi lại thành mang nợ). Trong những ngày tháng khổ sở, cùng cực của Mị tại nhà thống lý Pá Tra, sự xuất hiện của A Phủ như đánh thức tấm lòng đồng cảm trong tâm hồn của Mị  mà nó vốn đã lạnh lẽo và vô cảm từ lâu. Bởi họ là những con người có cùng cảnh ngộ như nhau. Trong đêm Mị quyết định cắt dây cởi trói cứu A Phủ, dường như đó cũng chính là đang giải cứu chính bản thân. Hai người cùng nhau chạy trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra đến Phiềng Sa, ở đây họ đã tìm đến được với ánh sáng của cách mạng. Quá trình họ gặp gỡ và trở thành vợ chồng cũng chính là quá trình họ bước ra từ bóng tối tìm đến ánh sáng. Cuộc đời của vợ chồng A Phủ khi gặp được lý tưởng cao cả của cách mạng đã thay đổi hoàn toàn. Nhà văn Tô Hoài viết lên tác phẩm này nhằm phản ánh số phận đau thương, cùng cực và con đường tìm đến tự do của nhân dân Tây Bắc. Qua nhan đề “Vợ chồng A Phủ” người đọc đã có những hiểu biết ban đầu về tác phẩm.

2.4. Giá trị nội dung

a) Giá trị hiện thực

– Phản ánh chế độ thực dân phong kiến với những hủ tục, thần tục lạc hậu, cổ hủ và cường quyền có sức mạnh chi phối cuộc đời, số phận của con người ở nơi này.

– Số phận khổ đau, bi thương, bất hạnh của những người dân lao động nghèo khổ như Mị, như A Phủ được xây dựng, khắc họa một cách chân thật, rõ nét.

b) Giá trị nhân đạo

– Lên tiếng tố cáo xã hội thực dân phong kiến lúc bấy giờ đã đẩy người dân vào bước đường cùng, biến họ trở thành một cỗ máy, thành nô lệ.

– Thể hiện niềm cảm thông, đau xót của Tô Hoài khi chứng kiến những khát vọng, nhân quyền của con người bị chà đạp, vùi dập. Mị và A Phủ, họ phải sống cuộc đời của những kẻ nô lệ, cuộc sống của những kẻ dưới đáy của xã hội, họ còn không bằng con trâu, con ngựa, họ bị đối xử một cách tàn bạo, bị bóc lột một cách dã man.

– Tác phẩm cũng ca ngợi sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, niềm tin vào ngày mai tươi sáng của con người ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Dù rằng Mị “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” nhưng vẫn luôn muốn được đi chơi trong đêm tình mùa xuân, vẫn khao khát có hạnh phúc gia đình chính nghĩa, khao khát được giải phóng khỏi ngục thất tối tăm cuộc đời mình. Còn A Phủ, dù bị bắt làm nô lệ khổ sai cho nhà Thống lí nhưng vẫn không hề đánh mất đi sự tự do, sức sông tiềm tàng mãnh liệt vốn có của mình. A Phủ vẫn sống một cách phóng khoáng, yêu đời, luôn khao khát sống, khao khát tự do.

– Con đường giải thoát cho cuộc đời của hai nhân vật mà Tô Hoài đưa ra trong tác phẩm chính là con đường đi theo cách mạng mà trong đoạn kết của câu truyện, A Phủ và Mị đã trốn tới Phiềng Sa, đi theo tiếng gọi và ánh sáng của cách mạng để giải thoát cho cuộc đời tăm tối của họ.

2.5. Giá trị nghệ thuật

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình: Nhà văn đã khắc họa nhân vật một cách sinh động, có cá tính rõ nét. Hai nhân vật Mị và A Phủ có chung số phận nhưng tính cách khác nhau của họ đã được tác giả thể hiện bằng bút pháp thích hợp.

– Ngòi bút tả cảnh đặc sắc cùng giọng văn mộc mạc mang đậm màu sắc, dấu ấn của vùng núi Tây Bắc: Cảnh sắc thiên nhiên, cảnh sinh hoạt hàng ngày, cảnh xử kiện,…

– Nghệ thuật trần thuật rất thành công với giọng kể trầm tư, sâu lắng mang đầy sự cảm thông, yêu mến; nhịp kể chậm rãi, xúc động có khi hòa vào dòng tâm tư của nhân vật, vừa bộc lộ nội tâm của nhân vật lại vừa tạo được sự đồng cảm.

– Ngôn ngữ sinh động được chọn lọc kỹ càng, sáng tạo giàu tính tạo hình lại vừa giàu chất thơ.

3. Soạn bài Vợ chồng A phủ phần đọc hiểu văn bản

3.1. Nhân vật Mị

a) Mị trước khi trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lý:

– Là một cô gái người Mông trẻ trung, hồn nhiên, yêu đời, có tài thổi sáo.

– Cô đã từng yêu và luôn khao khát đi theo tiếng gọi của tình yêu, mong muốn có được hạnh phúc.

– Là một người con gái hiếu thảo, chăm chỉ, tháo vát, ý thức được giá trị cuộc sống tự do nên đã sẵn sàng lên nương ngô làm lụng để trả nợ thay cho bố.

b) Khi trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lý:

– Nguyên nhân: cha mẹ Mị đã vay tiền nhà thống lý từ xưa nhưng không có tiền trả nợ và tục cướp vợ của người Mông đem về cúng trình ma.

– Mị phải chịu những đày đọa về thể xác cũng như tinh thần: phải làm việc quần quật từ sáng tới đêm, cuộc sống “không bằng con trâu con ngựa” và bị đánh đập dã man…

– Lâu dần Mị trở nên chai sạn với những nỗi đau: lúc nào Mị cũng “buồn rười rượi”, mặt cúi gằm xuống, sống lầm lũi “như con rùa nuôi trong xó cửa” và vì vậy mà “ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi”.

– Trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài, sức sống của Mị nay đã trỗi dậy:

  • Âm thanh quen thuộc (tiếng trẻ con chơi quay, tiếng sáo gọi bạn tình…) đã đánh thức những kỉ niệm trong quá khứ.
  • Mị như ý thức được sự tồn tại của bản thân nên “thấy phơi phới trở lại”, tự ý thức được rằng “Mị còn trẻ lắm …”, với khát khao tự do, Mị thắp sáng căn phòng tối tăm và muốn “đi chơi tết” để chấm dứt sự tù đày.
  • Khi bị A Sử trói, lòng Mị vẫn còn mải lửng lơ theo tiếng sáo, tiếng hát của tình yêu bên ngoài. Lúc vùng dậy cô mới chợt tỉnh trở về với hiện thực.

→ Nhận xét: Sức sống mãnh liệt luôn tiềm tàng trong lòng người con gái Tây Bắc và chỉ chờ có cơ hội để được bùng lên mạnh mẽ.

– Khi A Phủ làm mất bò, bị phạt trói đứng ở cột nhà:

  • Ban đầu Mị cũng dửng dưng, chẳng quan tâm bởi sau đêm tình mùa xuân, cô đã trở lại là cái xác không hồn.
  • Khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, Mị sực nhớ đến cái ngày mình bị trói trong quá khứ, Mị lại biết thương mình cũng như thương cho kiếp người bị đày đọa và “có lẽ ngày mai người kia sẽ chết,… phải chết”.
  • Bất bình trước những tội ác của bọn thống lí, Mị quyết định cắt dây đay cởi trói cho A Phủ. Mị cũng sợ cái chết, sợ nhà thống lí nên cô đã chạy theo A Phủ tìm lối thoát.

– Nhận xét: Mị là người con gái lặng lẽ nhưng rất mạnh mẽ, hành động của Mị thể hiện sự đứng lên đạp đổ cường quyền, thần quyền của bè lũ thống trị miền núi.

3.2. Nhân vật A Phủ

– Số phận: nhà nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống một mình…

– Khi trở thành người ở để gạt nợ:

  • Nguyên nhân: đánh A Sử và thua cuộc trong vụ xử kiện quái gở.
  • A Phủ phải chịu sự đày đọa cùng cực về mặt thể chất: phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm như “đốt rừng, cày nương, săn bò tót…”, anh còn không có giá trị bằng một con bò, vì làm mất bò mà bị trói đứng đến chết.

– Tích cách:

  • Lúc nhỏ mạnh mẽ, gan bướng, kiên trì: khi bị bán xuống cánh đồng thấp anh lại trốn lên núi cao.
  • Lớn lên là chàng trai tốt bụng, khỏe mạnh, chăm chỉ, biết làm mọi công việc. Là một người biết bất bình trước những bất công của xã hội (đánh A Sử), luôn khao khát tự do.

4. Hướng dẫn luyện tập

Câu số 1 (trang 14 SGK ngữ văn 12 tập 2)

Hoàn cảnh/ cảnh ngộ của Mị:

– Trước khi làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra: Mị là một cô gái xinh đẹp, hiếu thảo, yêu tự do, luôn khao khát có được hạnh phúc. Vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ từ xưa mà Mị phải trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí.

– Ở nhà thống lí: Mị bị đày đọa, bị dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần

  • Ban đầu: Đêm nào Mị cũng khóc => Thể hiện sự phản kháng.
  • Nhưng sau này, ở lâu trong cái khổ nên Mị cũng quen khổ rồi. 
  • Nỗi khổ về thể xác: Mị làm quần quật không kể ngày đếm, còn không bằng con trâu con ngựa, Mị làm việc như một cái máy.

=> Mị bị tước đoạt, bị bóc lột sức lao động một cách triệt để, trở thành công cụ lao động cho nhà Thống lí.

– Nỗi khổ tinh thần: Mị chẳng nói chẳng rằng, suốt ngày chỉ “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”…

=> Mị sống trong trạng thái vô cảm, như một cái xác không hồn, trơ lì, chai sạn trước những đau khổ và mất hết ý thức về cuộc sống

* Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị:

Trong đêm tình mùa xuân:

– Những chất xúc tác khách quan là thiên nhiên Hồng Ngài khi vào xuân, là cảnh chuẩn bị đón tết cùng tiếng sáo gọi bạn tình đã khơi dậy tâm hồn Mị.

– Diễn biến tâm trạng cùng hành động của Mị:

  • Mị nghe tiếng sáo gọi bạn tình ở ngoài bỗng thấy tâm hồn như phơi phới, vui tươi trở lại. Mị cũng uống rượu ngày tết, Mị lén uống ực từng bát như uống cho quên hết nỗi nhục số phận.
  • Mị nằm nghe tiếng sáo thổi và bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm ngày trước.
  • Nhưng rồi tự nhiên Mị lại thấy uất ức, nếu như có nắm lá ngón trong tay Mị sẽ ăn để cho chết ngay chứ không buồn nghĩ gì nữa.

=> Sức sống trong Mị như đã hồi sinh.

  • Mị ý thức được rằng “Mị còn trẻ” và Mị cũng muốn đi chơi.
  • Mị vào buồng thắp sáng căn phòng tối tăm như thắp sáng chính cuộc đời mình.
  • Mị với tay lấy chiếc váy hoa, chải lại đầu tóc để chuẩn bị đi chơi. Nhưng lại bị A Sử ngăn cản.
  • A Sử trói Mị vào cột giữa nhà, buộc cả tóc lên khiến Mị không thể cúi đầu được. Nhưng lúc đó Mị vẫn còn đang say sưa mải mê theo tiếng sáo, nhưng rồi bỗng chốc Mị nghe tiếng chân ngựa đạp mạnh vào vách, lúc ấy Mị mới trở về hiện thực.

Trong đêm cắt dây trói để cứu A Phủ:

– Ban đầu, khi thây A Phủ bị trói, Mị dửng dưng không quan tâm vì cảnh tưởng này trong nhà thống lý đã quá bình thường

– Nhưng rồi khi bắt gặp giọt nước mắt của A Phủ, Mị thấy thương người cũng như thương mình. Mị quyết định cắt dây trói để thả A Phủ đi. Hành động đó cũng chính là hành động cắt sợi dây vô hình đang trói cuộc đời Mị vào nhà thống lí.

– Trong lúc sợ hãi Mị đã chạy theo A Phủ và hướng đến cách mạng và sự tự do

Câu số 2 (trang 15 SGK ngữ văn 12 tập 2)

*Nhân vật A Phủ:

– Là một chàng trai tốt bụng, khỏe mạnh, có tài và được nhiều cô gái trong bản mê.

– Dám đứng lên trước sự bất bình của xã hội, là người yêu công lý, can trường, gan dạ.

– Vì đánh A Sử nên A Phủ bị bắt và nộp phạt cho nhà thống lý, do không có tiền nên trở thành con người ở đợ trả nợ cho nhà thống lý. 

– A Phủ làm mất bò trong khi làm việc, bị thống lí trói vào cột giữa trời.

– A Phủ được Mị cắt dây trói và cứu thoát khỏi nhà thống lí. 

– A Phủ khao khát có được sống tự do, chính điều đó giúp anh chiến thắng nỗi đau thể xác và số phận nghiệt ngã, bất công để giành lấy tự do.

*Cách miêu tả nhân vật

– Nhân vật Mị: nhà văn đã miêu tả bằng Mị bằng nghệ thuật so sánh, thủ pháp vật hóa, cực tả nỗi cơ cực của cuộc đời Mị.

→ Sử dụng những hình ảnh ẩn dụ độc đáo, nói lên số phận bất hạnh, bi thương của Mị.

– Nhân vật A Phủ: được khắc họa thông qua những hành động, làm nổi bật tính cách táo bạo, gan dạ và sự phản kháng mạnh mẽ của chàng trai yêu tự do.

Câu số 3 (trang 15 SGKngữ văn 12 tập 1)

Nét độc đáo đặc sắc trong cách quan sát và diễn tả của Tô Hoài về đề tài miền núi:

– Chi tiết, hình ảnh miêu tả núi rừng giàu chất thơ.

– Cách kể chuyện mộc mạc, tự nhiên, sinh động. Truyện có kết cấu, bố cục chặt chẽ, cách dẫn dắt lôi cuốn, hấp dẫn, sự đan cài chi tiết khéo léo.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình với nhiều bút pháp khác nhau khắc họa được tính cách cũng như số phận nhân vật: diễn tả tâm lí, ngoại hình gắn với suy nghĩ thầm lặng.

– Ngôn ngữ mang đậm chất miền núi, giọng điệu trần thuật có sự hài hòa giữa giọng người kể với nhân vật tạo chất trữ tình

5. Luyện tập thêm

* Giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ:

– Bày tỏ sự cảm thông sâu sắc, sự thương xót đối với nỗi khổ cùng cực của người nông dân miền núi.

– Phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp của người nông dân lao động nghèo khổ, đặc biệt là ngợi ca sức sống mãnh liệt luôn tiềm tàng trong mỗi con người.

– Lên tiếng tố cáo tội ác của bọn phong kiến miền núi tàn bạo đã đẩy người dân vào đươnhf cùng với bao nỗi thống khổ.

– Hướng người lao động nghèo khổ tìm đến con đường tươi sáng đó tìm đến cách mạng, cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù để tự giải phóng mình lấy lại tự do.

Qua bài viết trên, Butbi chúc các bạn có bước soạn bài trước khi lên lớp thật tốt để thuận tiện hơn trong quá trình tiếp thu bài giảng của thầy cô. Ngoài ra, chúng tôi đã tổng hợp một số tài liệu, văn mẫu, đề bài tập học tốt môn Văn THPT, các bạn có thể tải về miễn phí TẠI ĐÂY. Chúc các bạn học tốt!